Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hội thảo mang nhiều ý nghĩa thiết thực để nhìn lại 65 năm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò, sứ mệnh của ngành Xi măng Việt Nam trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đánh giá những kết quả đạt được, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục phát triển ngành Xi măng trong giai đoạn mới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao sự nỗ lực, thích ứng nhanh của ngành Xi măng Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử và đạt những kết quả hết sức tự hào, xứng đáng với sự kỳ vọng và mong mỏi của Bác Hồ kính yêu trong dịp Người về thăm Nhà máy xi măng Hải Phòng ngày 30/5/1957. Nổi bật nhất là sản lượng ngành Xi măng đã tăng từ khoảng 4,4 triệu tấn/năm những năm đầu đổi mới lên 107 triệu tấn năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong số 5 nước đứng đầu thế giới về năng lực sản xuất xi măng sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga. Năm 2021, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt gần 45 triệu tấn, ước đạt 21 tỷ đô la Mỹ, là giá trị xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay.
Cùng với đó, ngành Xi măng có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của đất nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm ngành Xi măng cần triển khai trong thời gian tới. Theo đó, ngành tiếp tục chuyển trọng tâm từ thay đổi quy mô sang tái cơ cấu ngành, đổi mới công nghệ và mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy tối đa nội lực và tận dụng năng lực sản xuất xã hội thông qua tăng cường liên kết hợp tác góp phần cho các ngành kinh tế khác cùng phát triển sản xuất.
Cùng với đó, ngành Xi măng cần nâng cao năng lực sản xuất thông qua tối ưu hóa quá trình sản xuất và kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Việc nghiên cứu sản xuất và cung cấp những dòng sản phẩm mới, tạo sự khác biệt vượt trội về chất lượng và giá bán cạnh tranh cần triển khai thời gian tới. Ngành tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với công nghệ và phương thức quản trị hiện đại, phân bố các cơ sở sản xuất phù hợp mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Việc xây dựng hình ảnh ngành Xi măng xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và thân thiện với môi trường, đẩy mạnh triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn, thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa một số hoạt động chưa tự động hóa, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động cùng một số nội dung khác cũng là nội dung đồng chí Nguyễn Xuân Thắng định hướng ngành Xi măng cần thực hiện.
Tại hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận các nội dung như: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò, vị trí, sứ mệnh của ngành Xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại của ngành Xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp phát triển của ngành Xi măng Việt Nam đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn phát triển của cách mạng nước ta.