Nâng tầm vị trí của MTTQ phù hợp với yêu cầu của đất nước thời kỳ mới

Trên cơ sở phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 194/2025/QH15, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam xác định dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 2 điều.

Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Trong đó, sửa đổi nội dung về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (tại Điều 9 và Điều 84 của Hiến pháp năm 2013) để làm rõ vai trò cốt lõi của MTTQ Việt Nam,với vị trí là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Cụ thể, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam tại Điều 9 để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam. Đồng thời, quy định Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh tại khoản 1 Điều 84 của Hiến pháp năm 2013 để thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9.

Nhân dịp này nhiều đại biểu đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có ý kiến đóng góp về những nội dung liên quan đến MTTQ Việt Nam tại Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Vượt qua chính mình để phát triển MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu. Ảnh tư liệu: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu cho rằng, so với Hiến pháp năm 2013, nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Nghị quyết cho thấy vai trò của MTTQ Việt Nam quan trọng hơn, rộng hơn, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao hơn, nhiệm vụ nặng nề hơn đối với MTTQ Việt Nam.

Theo bà Tô Thị Bích Châu, Chính phủ đang sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chính quyền địa phương và MTTQ Việt Nam cũng không nằm ngoài việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, bởi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện các hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam. Từ khi thành lập, MTTQ Việt Nam đã tạo được uy tín, có vai trò quan trọng trong công cuộc thống nhất, phát triển đất nước, tập hợp các thành phần trong xã hội. Việc tổ chức gọn lại bộ máy của MTTQ là để tiết kiệm chi phí, nhân lực, dành nguồn lực cho y tế, giáo dục, điều này cần một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng này không phải là cuộc đấu tranh "một mất một còn" mà là sự thay đổi từ suy nghĩ, nhận thức đến hành động cụ thể. Điều khó nhất là cần vượt qua chính mình, đấu tranh với chính mình để "làm cách mạng" để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.

Có hai điều quan trọng nhất trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, đó là sự cần thiết của việc sửa đổi quy định về MTTQ Việt Nam, cũng như nhân lực làm công tác Mặt trận.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu cho rằng, cần tạo điều kiện về tổ chức bộ máy để MTTQ Việt Nam thiết lập, mở rộng mối liên hệ mật thiết với các tầng lớp quần chúng nhân dân và đối tượng, tổ chức nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời, lựa chọn cán bộ có uy tín, bản lĩnh, trình độ, sự thuyết phục... để làm công tác Mặt trận. Những người làm công tác Mặt trận phải mạnh hơn, tinh thông hơn, đủ linh hoạt để MTTQ Việt Nam có thể làm tốt vai trò tập hợp quần chúng nhân dân hơn, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Nâng tầm vị trí của MTTQ phù hợp với yêu cầu của đất nước thời kỳ mới

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ: Cơ chế của nước ta là Đảng lãnh đạo Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Khi tình hình có sự thay đổi, xuất phát từ tình hình quốc tế và trong nước cần yêu cầu cách mạng, Đảng ta thường có những chủ trương mới; chủ trương đó được thể hiện bằng các Nghị quyết của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị và các Nghị quyết đó được Nhà nước ta thể chế hóa bằng Luật. Vì vậy, kỳ này Trung ương yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, bởi nếu muốn đưa ra những luật mới thì những luật đó không thể trái với Hiến pháp.

Theo ông Nguyễn Túc, việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp là cần thiết bởi như Bác Hồ đã nói: Có dân là có tất cả, mất dân là mất hết và có dân nhưng phải "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công". Đồng thời, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: MTTQ, các tổ chức Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh phải là nòng cốt chính trị để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình; để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên tham gia cùng Đảng và Nhà nước xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Trên cơ sở tổng kết các kết quả đạt được của Nghị quyết 18 và những điều chưa đạt được, cũng như yêu cầu mới, Trung ương yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; cùng đó nâng tầm vị trí chính trị của MTTQ phù hợp với yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới; cũng như làm sao để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội gần dân, sát dân hơn, hiểu tường tận tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013 làm cho MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội bảo vệ thiết thực hơn quyền, lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân; để MTTQ Việt Nam "phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Đây là điều nhân dân mong muốn và để MTTQ, các đoàn thể chính trị làm tốt hơn nhiệm vụ của mình...

Phúc Hằng (TTXVN)
Tiếp nhận ý kiến góp ý về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trước ngày 23/5
Tiếp nhận ý kiến góp ý về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trước ngày 23/5

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 831/MTTW-BTT về việc tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đối với Trung ương các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN