Nâng cao hiệu quả huy động doanh nhân, trí thức kiều bào

Sáng 8/5, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm trực tiếp tại Thành phố Hồ Chí Minh và trực tuyến với nhiều điểm cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hội đoàn người Việt ở các nước về vai trò cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Quang cảnh tọa đàm. 

Tại buổi “Tọa đàm quốc tế vai trò cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15; Chỉ thị số 27-CT-TU; Nghị quyết số 18/NQ-HĐND”, các đại biểu đã được thông tin về vai trò của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong vận động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cùng triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội; chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo cơ chế đặc thù triển khai Nghị quyết 98; chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố… 

Các đại biểu cũng đã cùng trao đổi, đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút nguồn lực doanh nhân và tri thức người Việt Nam ở nước ngoài cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội. 

Chia sẻ trực tuyến về công tác kết nối nguồn lực người Việt Nam ở nước sở tại với Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc… khẳng định, dù bất cứ ở nơi đâu, người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc và đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân, trí thức kiều bào đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, là nguồn lực rất quan trọng có thể đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước cũng như của Thành phố Hồ Chí Minh. 

Giới thiệu tầm nhìn ưu tiên phát triển công nghệ cao của Thành phố, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia góp ý cho Thành phố về việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý hoạt động khoa học công nghệ tại Khu Công nghệ cao; đầu tư nhân lực, cơ sở hạ tầng để Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tham gia chủ động vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đảm bảo thực hiện vai trò đầu tàu định hướng khoa học công nghệ trong phạm vi cả nước; xây dựng cơ chế liên quan đến triển khai các mô hình liên kết Nhà nước- Trường Đại học- Doanh nghiệp; thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu – đào tạo- ươm tạo- chuyên giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm từ nghiên cứu khoa học…

Quan tâm đến sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Thành phố, bà Trần Tuệ Tri, kiều bào tại Singapore, Cố vấn cấp cao Việt Nam Brand Purpose cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang dần tạo lập được nền tảng bền vững cũng như có nhiều bước tiến phát triển được đánh giá cao. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao và phát huy hơn nữa tiềm năng Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh cần thiết phải có những giải pháp đột phá hơn, tập trung về “chất” chứ không chỉ về “lượng”.

Theo bà Trần Tuệ Tri, Thành phố Hồ Chí Minh nên tạo dựng được khu tổ hợp dịch vụ tập trung cho Đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các trung tâm hỗ trợ starup ở 2 lĩnh vực “xanh” và “chip bán dẫn”, giúp phát triển thành phố Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo, là hạt nhân thúc đẩy cả vùng Đông Nam Bộ; đẩy mạnh kết nối quốc tế thu hút nguồn lực tài chính, chuyên gia, công nghệ từ nước ngoài , hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Chủ tịch Hội chuyên gia và trí thức người Việt Nam tại Đan Mạch đưa ra giải pháp thành lập một mạng lưới (Task Force) y tế để xây dựng Thành phố thành một trung tâm chăm sóc sức khỏe cho cả khu vực ASEAN. 

Với Task Force này, Thành phố có thể bắt đầu bằng việc tập hợp một danh sách các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, bác sĩ người gốc Việt giỏi đang làm việc tại các bệnh viện, trường đại học trên thế giới và ngay trong nước. Từ đó tạo sự kết nối, có chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao,...

Ghi nhận và cảm ơn những đóng góp tâm huyết của các đại biểu, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có đội ngũ doanh nhân, trí thức kiều bào trong tổng hòa các nguồn lực phục vụ phát triển Thành phố; cam kết sẽ tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho Thành phố Hồ Chí Minh trong triển khai các chính sách, chương trình kết nối, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ kiều bào cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố. 

Tin, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
Huy động nguồn lực kiều bào phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới
Huy động nguồn lực kiều bào phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới

Từ 2,7 triệu người năm 2003, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người, với tốc độ tăng khoảng 5%/năm, độ bao phủ rộng (kiều bào hiện đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, trên 80% ở các nước phát triển).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN