Nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước

Ngày 9/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị sơ kết việc triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hệ thông quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2015-2020.

Chú thích ảnh
Cán bộ, nhân viên Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Những năm vừa qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước. Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001, mô hình hệ thống quản lý chất lượng được xác định như một công cụ quan trọng hỗ trợ cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chuẩn hóa các quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức làm việc với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, công dân có liên quan; minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh. 

Ngày 5/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan đã triển khai thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và thống nhất trên phạm vi cả nước. 

Đến nay, có thể nhận thấy việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động của cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước là một trong những biện pháp thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính của Chính phủ, tìm ra biện pháp để cải cách thủ tục hành chính thông qua việc yêu cầu cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức phải công khai các yêu cầu về hồ sơ, tài liệu mà người dân phải nộp; nêu rõ quy trình xử lý công việc, kết quả xử lý cuối cùng, thời gian hoàn thành, từ đó có thể đưa ra biện pháp để giúp đơn giản hoá các thủ tục hành chính.

Đồng thời, cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông" được vận hành hiệu quả hơn. Hệ thống quản lý chất lượng giúp thấy rõ trong hoạt động của nội bộ cơ quan khi giải quyết công việc, các khâu trong các phòng, ban phải kết nối với nhau một cách hợp lý, từ đó có thể thấy rõ khâu nào bị chồng chéo, bất hợp lý để liên tục cải tiến các quy trình xử lý công việc cho phù hợp, phục vụ người dân/tổ chức tốt hơn. Ngoài ra, tạo điều kiện để người dân cùng giám sát cán bộ, công chức, giám sát các thủ tục hành chính có được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hay không, từ đó kiến nghị sửa đổi, chỉnh lý văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Sự thành công của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước được quyết định bởi nhận thức và sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, ý chí quyết tâm của lãnh đạo cơ quan, sự nhận thức đúng đắn về hệ thống quản lý chất lượng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức.

Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay, 91% các bộ, ngành đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo quy định phù hợp TCVN ISO 9001 đối với toàn bộ thủ tục hành chính. Đồng thời, các Bộ, ngành cũng đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng (74/98 cơ quan, tổ chức, tỷ lệ 75,5%).

Tại địa phương, có 98,4% địa phương (62/63) đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo quy định. Đồng thời, các địa phương cũng đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng, theo đó  có 62/63 địa phương (tỷ lệ 98,4%) đã triển khai việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tại các UBND cấp xã, trong đó đã có 5.564/8.910 UBND cấp xã (tỷ lệ 62,5%) đã xây dựng, áp dụng, công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001 theo quy định.

Qua gần 7 năm triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg, có thể thấy rằng, để tiếp tục thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg thời gian tới có hiệu lực, hiệu quả, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc hoàn tất các nội dung theo quy định tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg, đảm bảo đến ngày 30/6/2021, hoàn thành chuyển đổi việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 (theo lộ trình chuyển đổi nêu tại công văn số 419/BKHCN-TĐC ngày 21/02/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ). Đồng thời, đảm bảo 100% các thủ tục hành chính được triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Ngoài ra, mở rộng việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng như UBND cấp xã, các đơn vị sự nghiệp...

HL (TTXVN)
Những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
Những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Cải cách thủ tục hành chính được xác định là một khâu đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN