Nâng cao chất lượng kỳ họp trong tổng thể đổi mới hoạt động Quốc hội

Tiếp tục chương trình làm việc chiều 20/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo Tờ trình do Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày, sau gần 7 năm thi hành, Nội quy Kỳ họp Quốc hội được ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 của Quốc hội ngày 24/11/2015 (gọi tắt là Nội quy năm 2015) đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung. Luật Tổ chức Quốc hội và nhiều đạo luật khác đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, nên Nội quy cần được xem xét sửa đổi, bổ sung. Đồng thời cần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII vào Nội quy Kỳ họp để bảo đảm tính chính trị, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Một số điều, khoản tại Nội quy năm 2015 không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là từ năm 2016, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính hợp lý, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đánh giá cao, cần được xem xét, bổ sung quy định để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, trong lần sửa đổi, bổ sung này, Nội quy Kỳ họp phải thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021; Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Việc sửa đổi, bổ sung cũng nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định đầy đủ quy trình, thủ tục chặt chẽ, cụ thể, khoa học, hợp lý. Những quy trình, thủ tục cụ thể liên quan đến kỳ họp đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì không quy định lại mà chỉ dẫn chiếu nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lưu ý, Nội quy Kỳ họp (sửa đổi) cần kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp; nội quy hóa những vấn đề cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, cũng như các quy trình, thủ tục đã được thực hiện trong quá trình xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn và phù hợp nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành việc nghiên cứu sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội trong tổng thể đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội; khắc phục những tồn tại, bất cập của một số quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại các luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...)...

Ủy ban Pháp luật tán thành với các mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết. Nội dung của dự thảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Một trong những điểm mới, đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đó là bổ sung một số quy định về kỳ họp bất thường. Theo đó, Quốc hội xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của các chủ thể được quy định tại Điều 83 của Hiến pháp năm 2013 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc tổ chức kỳ họp bất thường, đáp ứng yêu cầu giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định về kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua. Việc ghi nhận nội dung này trong Nội quy kỳ họp Quốc hội là phù hợp với thực tiễn hoạt động của Quốc hội 2 năm vừa qua trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và cũng tạo cơ sở cho việc chuyển dần hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp sang thường xuyên hơn trong khi số lượng ngày họp thực tế không tăng lên nhiều, kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thực tiễn đặt ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Phan Phương (TTXVN)
Phát huy các tiềm năng để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột
Phát huy các tiềm năng để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 20/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN