Nhiều diện tích lúa đang chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch tại xã Nam Vân, thành phố Nam Định bị ngập đến đầu bông. Ảnh Công Luật/TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Luyên, Chủ tịch UBND xã Yên Quang, huyện Ý Yên cho biết, khoảng 9 giờ ngày 12/10 tại km 153 của đê tả sông Đáy, người dân phát hiện một diện tích khoảng 3m2 bị phồng lên so với thân đê, có hiện tượng rò rỉ nước, xã đã huy động toàn bộ lực lượng dùng bao cát, xẻ rãnh thoát nước để chống vỡ đê. Hiện nay, mực nước tại sông Đáy đang lên rất cao, chỉ còn cách mặt đê 1m nữa. Để chủ động phòng chống thiên tai có thể xảy ra, xã đã thông báo với người dân xung quanh đê nâng cao cảnh giác sẵn sàng ứng phó với sự cố xảy ra.
Tuyến đê bối (phần kè ngoài sông do người dân đắp để nuôi trồng thủy sản) dài gần 8km tại xã Yên Bằng, huyện Ý Yên đã bị ngập, khoảng 110 hộ dân sinh sống ngoài đê bị ngập sâu trong nước từ 1-2m. Nhiều tài sản hoa màu, gia súc của người dân do không chạy kịp đã bị thiệt hại hoàn toàn. Toàn tuyến đê sông Đáy chảy qua địa phận huyện Ý Yên có 5 điểm thuộc 13 xã đang trong tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.
Chị Vũ Thị Dung, người dân xã Yên Bằng cho biết, chị sống tại khu vực này từ bé, đây là lần đầu tiên nước sông Đáy dâng cao đến thế. Nhà chị ngập sâu đến gần 2m, gia đình chỉ kịp chạy lên đê còn toàn bộ tài sản và đồ đạc hiện nay đều bị ngập trong nước. Toàn bộ những hộ dân trong xóm cũng bị thiệt hại, người dân chỉ kịp chạy thoát thân khi lũ về. Cuộc sống người dân vùng lũ hiện rất cực. Một số người ở tạm nhà người quen, các hộ dân khác mắc lều ở tạm trên đê.
Theo ông Vũ Đức Thảo, Chủ tịch UBND xã Yên Bằng, từ năm 1985 đến nay mới lại xuất hiện nước dâng cao đến vậy, nước còn cao hơn trận lũ lịch sử khi đó từ 70-80cm, làm cho hàng trăm hộ dân bị ngập sâu trong nước, nhiều tài sản hoa màu của hai Hợp tác xã Quyết Tiến và Ngô Xá bị thiệt hại hoàn toàn.
Huyện Ý Yên đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, bảo vệ các đoạn đê xung yếu, sẵn sàng các phương án di rời dân, tài sản đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra.