Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại cho các tỉnh miền Trung

Trong ba ngày qua (từ ngày 14 - 16/11), do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường và hoạt động mạnh của đới gió đông trên cao, ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to.

Tính đến trưa 16/11, lượng mưa đo được phổ biến từ 200 - 400 mm, vùng Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi từ 400 - 600 mm, một số nơi lớn hơn như Tà Lương (Thừa Thiên - Huế): 605 mm, Trà My (Quảng Nam): 681 mm, Trà Bồng (Quảng Ngãi): 859 mm.

Lũ trên các sông ở Quảng Nam đang lên; các sông ở Thừa Thiên - Huế đang dao động ở mức cao; các sông ở Quảng Ngãi lên lại.

Dự báo, trong 1-2 ngày tới ở các tỉnh miền Trung tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to; lũ trên sông Trà Bồng và các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam tiếp tục lên và ở mức cao trên báo động (BĐ) 3 từ 0,2 đến 1 m; các sông ở Quảng Ngãi có khả năng lên lại và ở mức cao trên BĐ2.

Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt sâu trên diện rộng ở vùng hạ lưu các sông thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Như vậy, năm nay hầu hết các tỉnh miền Trung nước ta đều bị mưa lũ lớn: Đợt lũ đầu tiên xảy ra ở các tỉnh Bắc Trung bộ vào tháng 10, còn đầu tháng 11 là lũ lớn ở Nam Trung bộ và bây giờ là các tỉnh Trung Trung bộ.

Dự báo từ nay đến cuối năm còn khoảng 1-2 đợt mưa lũ lớn nữa.

Thừa Thiên-Huế: Mưa lớn làm ngập trên 2.000 ngôi nhà

Do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới, kết hợp với hoạt động của đới gió đông trên cao, tại Thừa Thiên - Huế đang có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được trong 72 giờ qua, phổ biến từ 300 - 400 mm, có nơi trên 550 mm.

Theo tin ban đầu, mưa lũ làm chết 3 người, làm bị thương 1 người. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nặng tại vị trí xã Hồng Vân (km 319+950) và xã A Roàng (km 389+050) gây tắc đường. Quốc lộ 1A, 49A, 49B và các tuyến đường tỉnh lộ 4, 9, 10A, 11B, tỉnh lộ 16... bị xói lở khoảng 130.000 m3 lề đường và mặt đường. Học sinh của nhiều trường trong tỉnh phải nghỉ học.

Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chỉ đạo hai nhà máy thủy điện Bình Điền và Hương Điền vận hành xả lũ theo quy trình.

Quảng Ngãi: Núi lở vùi lấp và làm hư hỏng hàng chục ngôi nhà...

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, ngày 16/11: Do mưa lớn kéo dài, một vụ sạt lở núi với khối lượng hàng nghìn mét khối đất đá đổ ập xuống khu dân cư Giếng Hồ thuộc thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn. Lượng đất đá sạt lở đã vùi lấp căn nhà của bà Huỳnh Thị Môn và gây nứt vách, sạt đổ tường nghiêm trọng đối với hàng chục ngôi nhà khác trong khu tái định cư.

Cảnh ngập lụt ở xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi (ảnh chụp lúc 16 giờ ngày 16/11). Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Ngay sau vụ sạt lở núi, chiều 16/11, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã về thôn Lệ Thủy thăm hỏi và kiểm tra tình hình thiệt hại đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương đưa toàn bộ số hộ sống trong vùng sạt lở đến nơi ở an toàn.

Nước lũ dâng cao khiến nhiều đoạn đường trên tuyến quốc lộ 1A đã bị ngập. Hiện tại CSGT tỉnh Quảng Ngãi đang dẫn đường cho từng chiếc xe đi qua những đoạn đường này. Dự báo, khi mực nước các con sông vượt trên báo động cấp 3, quốc lộ 1A sẽ bị gián đoạn giao thông.

Nước lũ đã làm toàn bộ các tuyến đường tỉnh lộ từ Bình Sơn đến các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà ngập sâu từ 1 - 3 m, các xã khu tây huyện Bình Sơn hoàn toàn bị cô lập. Huyện Bình Sơn đã tổ chức di dời hơn 500 hộ dân ở xã Bình Minh, Bình Mỹ, Bình Trung, Bình Chương sống ở lưu vực sông Trà Bồng đến nơi an toàn.

Tại những đoạn đường ngập nước nguy hiểm, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương đã tổ chức chốt chặn, tuyệt đối không để người dân qua lại; nghiêm cấm không cho người dân ra sông vớt củi. Chiều ngày 16/11, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã điều động 3 tàu cứu nạn cứu hộ ra Bình Sơn (cùng với 2 tàu cứu hộ tại địa phương) sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão huyện Bình Sơn, vùng bị lũ nặng nhất, đến chiều 16/11, toàn huyện có 2 người chết, 9 người bị thương; 21 nhà sập hoàn toàn; 13 nhà hư hỏng nặng, hàng ngàn ha lúa và hoa màu bị ngập trong nước; 1 tàu bị chìm; hơn 42 km đường bị sạt lở... Ước tổng thiệt hại hơn 72 tỷ đồng.

Huyện Bình Sơn đã hỗ trợ gia đình có người bị chết 4.500.000 đồng/người; bị thương 1.500.000 đồng/người; hỗ trợ nhà sập hoàn toàn 15 kg gạo/nhân khẩu, hỗ trợ cho mỗi hộ có nhà sập 10 triệu đồng để kịp thời sửa chữa, đảm bảo có chỗ ở an toàn.

Quảng Trị: Các vùng trũng bị chia cắt

Mưa lớn trên diện rộng từ ngày 13/11 đến nay, cộng với cường suất lũ trên các sông lên nhanh đã gây ngập lụt, chia cắt một số vùng thấp trũng trên địa bàn thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong, huyện Đakrông và huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Cụ thể, mưa lớn đã gây ngập một số điểm trên tuyến đường vào các xã Triệu Giang, Triệu Thượng (huyện Triệu Phong), tuyến đường về Trí Bưu (thị xã Quảng Trị). Cầu tràn Tà Rụt - A Ngo trên đường vào xã A Vao (Đakrông) bị nước cuốn trôi 7 m. Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn Đakrông - Tà Rụt bị sụt lở ta luy dương tại km5, gây ách tắc giao thông.


Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Đặc biệt, lũ trên sông Sê Pôn (thuộc địa phận thôn Ta Nua, xã Thanh, huyện Hướng Hóa) đã cuốn trôi anh Hồ Văn Ao (1991) ở thôn Ra Hang, xã A Túc (Hướng Hóa) vào tối 14/11. Ngày 16/11, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết các lực lượng chức năng ở địa phương đã tìm thấy thi thể anh Hồ Văn Ao trên dòng sông này.

Quảng Nam: Chuẩn bị gạo dự phòng

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn kéo dài, một số tuyến đường thuộc các xã vùng cao huyện Nông Sơn, Nam Trà My bị ngập nước. Các lực lượng chức năng trên địa bàn đang giúp đỡ bà con sơ tán ra khỏi những vùng trũng sâu và sẵn sàng lương thực dự trữ để cứu trợ, kiên quyết không để người dân đói.

Hiện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã bố trí trực 24/24, huy động lực lượng thường trực tại các điểm có nguy cơ cao để sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; bố trí ghe lớn để chuyên chở người dân qua những đoạn ngập lụt một cách an toàn. Ông Nguyễn Văn Hoành, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nam Trà My cho biết: Phòng LĐ, TB&XH huyện đã bố trí 40 tấn gạo dự phòng tại các điểm xã Trà Nam, Trà Cang, Trà Doong và Trà Vân. Tại kho của huyện hiện cũng đang dự trữ 50 tấn gạo dự phòng để sẵn sàng hỗ trợ cho người dân khi họ không còn lương thực.

Tính đến chiều 16/11, Quảng Nam có 2 người chết do lưa lũ.

Lũ quét tại Bình Định

Cũng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực miền núi phía Bắc tỉnh Bình Định đã có mưa vừa đến rất to. Ngày 15/11, nước ở thượng nguồn theo các sông, suối đã đổ về phía đồng bằng với lưu lượng, tần suất rất lớn, gây ra lũ quét làm sạt lở 200 m bờ suối Quán Rừng thuộc địa phận thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn.

Hậu quả, nước đã tràn vào thôn và làm ngập 100 nhà dân với độ sâu từ 1-1,5 m, trong đó có 5 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, rất may là không có người dân nào bị chết, bị lũ cuốn trôi.

Quảng Bình: Xóa nợ cho những hộ bị thiệt hại nặng do lũ

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách và Xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Bình đang khảo sát, lập danh sách những hộ bị thiệt hại nặng do hai đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. Theo đó, những hộ nào vay vốn NHCSXH bị thiệt hại trên 40% tài sản, sẽ được khoanh nợ (không phải trả lãi suất trong một thời gian nhất định), những hộ bị thiệt hại trên 80% tài sản và không có khả năng thanh toán sẽ được xóa nợ.

Ông Nguyễn Hữu Lướng, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình cho biết: Sau hai đợt mưa lũ vừa qua, đã có hàng chục nghìn hộ dân vay vốn của NHCSXH bị thiệt hại trên 160 tỷ đồng, trong đó nhiều gia đình đã mất trắng tài sản, không còn khả năng trả nợ, đặc biệt là xã Tân Hóa. Nhiều hộ dân ở Tân Hóa vay vốn của NHCSXH sẽ được xóa nợ. NHCSXH Việt Nam cũng đã nhất trí với phương án cho vay bổ sung 160 tỷ đồng giúp đồng bào vùng lũ Quảng Bình.

Bên cạnh đó, Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ cho các hộ gặp khó khăn đột xuất do mưa lũ có con, em là học sinh, sinh viên được vay thêm 12 tháng nữa với vốn vay tối đa 900.000 đồng/tháng.


Từ 15/10 đến nay, sau hơn một tháng phát động nhắn tin bằng điện thoại di động để ủng hộ đồng bào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình bị thiệt hại trong đợt lũ tháng 10 vừa qua, Cổng Thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 đã thu được hơn 19 tỷ đồng từ tin nhắn điện thoại di động (SMS). Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Tổng Công ty VTC đã chuyển đợt 1 số tiền ủng hộ đồng bào miền Trung trị giá 12,5 tỷ đồng qua việc mua tặng nhân dân vùng lũ lụt 1.000 con bò sinh sản và 400 tấn gạo. Ảnh: Minh Tú - TTXVN


TH - TTN/TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN