Mưa lũ tại tỉnh Phú Yên đã khiến 3 người chết và 6 người mất tích. Toàn tỉnh đã triển khai di dời, sơ tán 5.517 hộ với 18.535 nhân khẩu. Đến chiều 1/12, Phú Yên hiện còn hơn 17.800 ngôi nhà bị ngập lụt; 4 nhà bị hư hỏng hoàn toàn.
Về tình hình xả lũ các hồ chứa, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết: Các chủ hồ chứa thủy điện chủ động vận hành, điều tiết tích, xả nước qua tràn để đón lũ và cắt giảm lũ theo quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 51 hồ chứa nước, trong đợt mưa lũ này, các hồ đã xả nước qua tràn và tích nước phổ biến ở mức từ 98-100% so với dung tích thiết kế.
Sau khi kiểm tra thực tế tình hình lũ tại huyện Phú Hòa, huyện Sông Hinh và quy trình xả lũ tại thủy điện Sông Ba Hạ, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Tổng Cục phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đánh giá: Mưa lũ tại tỉnh Phú Yên những ngày qua là rất lớn, gây ngập hàng nghìn hộ dân. Chính quyền địa phương đã triển khai tốt việc di dời người dân đến nơi an toàn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Việc kịp thời nắm bắt diễn biến mưa lũ và triều cường để điều hành việc xả lũ linh hoạt của các hồ chứa là phù hợp. Mặc dù vậy, các chủ hồ chứa nếu chủ động hạ mực nước hồ chứa thì sẽ giảm thiểu việc ngập cho hạ du mà vẫn đảm bảo an toàn hồ đập. Ngay sau khi lũ rút, tỉnh Phú Yên cần khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân khắc phục, nhất là những gia đình có thiệt hại về người và nhà ở; kịp thời khôi phục sản xuất.
Mưa lũ khiến hầu hết các tuyến tỉnh lộ của tỉnh Phú Yên bị ngập nước từ 0,5 đến 1m. Một số đoạn mặt đường bị bong tróc, mái ta luy dương bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Nặng nhất là tuyến đường ĐT 643 từ quốc lộ 1 đi các huyện Tuy An, Sơn Hòa và Đồng Xuân có nhiều điểm sạt lở mái ta luy dương. Tại vị trí Km3+060 và Km3+200 (xã An Thọ, huyện Tuy An), hơn 600m3 bùn đất đã tràn xuống lòng đường, các phương tiện giao thông chỉ lưu thông được một chiều. Ngoài ra các khe, rãnh thoát nước trên tuyến cũng bị bồi lấp.
Từ tối 30/11, Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên đã huy động 20 thiết bị xe cơ giới để khắc phục tình trạng sạt lở, đảm bảo giao thông an toàn cho người dân. Ông Huỳnh Gia Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên cho biết: Do tình mưa, lũ nhiều ngày nên các tuyến giao thông bị ảnh hưởng và hư hỏng nhiều. Khi nước lũ rút tới đâu, các đơn vị thi công triển khai các biện pháp khắc phục tới đó. Hiện đang có hơn 100 công nhân ở nhiều hướng thi công khác nhau phấn đấu thông tuyến trong ngày 1/12/
Nước lũ trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang rút chậm nên một số vị trí ngập trước đó tại các quốc lộ 1, 1D, 25 và 19C đã thông xe trở lại. Tuy nhiên, các phương tiện giao thông phải giảm tốc độ và chú ý các biển cảnh báo. Tại Km73+525 trên quốc lộ 29, nước chảy xiết làm trôi cống ngang đường 3D100; chiều dài dọc đường xói lở 8m, sâu 5m gây tắc giao thông. Các đơn vị đang thi công lắp đặt cống tạm để đảm bảo giao thông. Đến 19 giờ ngày 1/12 đã cơ bản hoàn thành và thông xe tạm trên tuyến.
* Theo báo cáo nhanh lúc 17 giờ ngày 1/12 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa, mưa lũ từ ngày 30/11 đến chiều 1/12 trên địa bàn tỉnh đã khiến 1 người chết là ông Châu Văn A. (sinh năm 1957), trú tại xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa bị lũ cuốn trôi, đã được chính quyền địa phương tìm thấy thi thể và 1 người mất tích là anh Nguyễn Văn V. (sinh năm 1981) khi bơi qua sông Yang Bay 2, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, địa phương đang tổ chức lực lượng tìm kiếm nạn nhân.
Bên cạnh đó, ngập úng tại nhiều khu vực dân cư ở Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh… sạt lở gây ách tắc giao thông ở nhiều tuyến đường. Mưa lũ còn gây ra một số thiệt hại khác được xác định là 1 tàu đánh cá bị đánh chìm, 2 sà lan đang thi công đập ngăn mặn sông Cái bị nước lũ cuốn trôi làm hư hại đường ống cấp nước sinh hoạt bắc qua sông Cái, sà lan mắc kẹt tại cầu Hà Ra (thành phố Nha Trang). Các lực lượng cứu hộ trên địa bàn tỉnh đang triển khai các biện pháp di dời 2 sà lan trên ra khỏi khu vực nhằm đảm bảo an toàn cho cầu giao thông.
Tính đến 17 giờ ngày 1/12, các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện đạt 92% dung tích thiết kế với khoảng 228 triệu m3 và vẫn đang xả điều tiết với lưu lượng nhỏ từ 10-30m3/hồ, riêng hồ Đá Bàn thuộc địa bàn thị xã Ninh Hòa xả 100 m3/giây.