Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh miền Trung

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với rãnh áp thấp có trục đi qua Trung Trung bộ nên trong mấy ngày qua, tại các tỉnh miền Trung đã có mưa to trên diện rộng. Mưa lớn cùng với nước lũ lên nhanh đã gây ngập lụt ở nhiều nơi, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Tại Quảng Bình, mưa to liên tục trên diện rộng đã gây thiệt hại nặng nề cho 5 huyện, thành phố là Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và Minh Hoá. Toàn tỉnh có 1 người chết, 1 người mất tích, 6.000 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ, trong đó, ít nhất có 2.000 ngôi bị ngập sâu trên 1 m. Huyện Lệ Thuỷ bị thiệt hại nặng nhất với trên 3.000 ngôi nhà bị ngập... Nhiều tuyến, điểm, đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị ngập trong nước, gây chia cắt cục bộ, làm ách tắc giao thông, nhất là tuyến quốc lộ 1A, 12 A, tỉnh lộ 558, 559, 563, 569B, 564… Trên tuyến quốc lộ 1A, tại địa phận các huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ, Bố Trạch, nhiều điểm bị ngập chìm trong nước, gây tắc đường cục bộ, làm hàng trăm xe tải, xe khách phải nằm chờ. Đoạn tiếp giáp giữa huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ qua các xã Gia Ninh, Hồng Thuỷ tắc đường kéo dài trên 15 km... Các địa phương đã kịp thời di dời trên 500 hộ dân, với 2.200 nhân khẩu ở các vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Ngập lụt ở đường Đống Đa, TP Huế sáng nay, 17/10.
Ảnh: Quốc Việt - TTXVN



Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đoạn quốc lộ 1A qua địa bàn cũng bị ngập sâu trong nước ở 3 điểm, có nơi ngập sâu tới 0,5m, khiến giao thông bị đình trệ. Nước đã gây ngập phía Nam cầu Hiền Lương, Nam Ngã tư Sòng và Nam cầu Lai Phước, trong đó phía Nam cầu Lai Phước ngập nặng nhất. Nước lụt cũng khiến hệ thống đường sắt bị ngập ở hai đoạn Mỹ Chánh và Đông Hà; 620 hành khách trên hai đoàn tàu SE7 và TN phải kẹt lại ở ga Đông Hà và ga Quảng Trị. Các tuyến giao thông tỉnh lộ, huyện lộ trên địa bàn các huyện, thị, thành phố bị chia cắt, đặc biệt là các địa bàn như Ba Lòng (Đakrông), Triệu Giang, Triệu Long (Triệu Phong) và vùng trũng Hải Lăng... Mưa lớn cũng gây ngập lụt 13.849 hộ dân ở độ sâu từ 0,5-2,5m; làm 1.000 ha lúa chưa thu hoạch bị ngập, hư hỏng; 165.000 cá giống bị nước cuối trôi; quốc lộ 9 bị sạt lở taluy dương khoảng 4000 m3... Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cứu hộ, cứu 12 người bị kẹt, tổ chức sơ tán 5.000 hộ dân đến nơi an toàn; triển khai công tác đảm bảo an toàn các hồ đập, công trình thủy lợi; chuẩn bị phương tiện và vật dụng cần thiết để sẵn sàng cung ứng khi các địa phương có nhu cầu. Tính đến 6 h sáng 17/10, tỉnh Quảng Trị có 2 người chết là anh Trương Công Minh ở xã Hải Sơn (Hải Lăng) bị nước cuốn trôi và bà Nguyễn Thị Hương ở Quảng Bình vào hái cà phê ở thôn Cợp (Hướng Phùng, Hướng Hóa) bị nước cuốn trôi. Công tác khắc phục hậu quả đang được tích cực triển khai.

Trong hai ngày qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to trên diện rộng, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 - 150mm. Tại vùng núi Tà Lương, A Lưới mưa to, lượng mưa đo được từ 180 - 230mm. Hiện lũ trên hầu hết các sông ở Thừa Thiên - Huế đang lên; sông Hương trên báo động 2, sông Bồ dưới báo động 3. Mực nước các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trong tỉnh sáng 17/10 đều vượt cao trình đỉnh tràn: hồ Truồi đạt đỉnh 37,50m, vượt cao trình đỉnh tràn 1,50m; hồ Hòa Mỹ đạt 36,36m, vượt qua tràn 1,36m; hồ thuỷ điện Bình Điền đạt 77,10m/cao trình đỉnh tràn +73m. Riêng hồ thuỷ điện Hương Điền đạt 57,72m; trong khi lưu lượng nước đến hồ có lúc đạt 2.607 m3/s. Ban quản lý dự án đang cho vận hành mở 2 cửa van, độ mở cửa 2m để điều tiết nước với lưu lượng về hạ du 726 m3/s nhằm đảm bảo an toàn cho hồ chứa, đồng thời tránh ngập lụt cho vùng hạ lưu. Tại thành phố Huế, mưa to với cường độ lớn đã gây ngập úng cục bộ hầu hết các tuyến đường ở khu vực nội thành, có nơi ngập sâu 0,5m. Quốc 1A tại Km 829 (cầu vượt Thủy Dương) ngập sâu, giao thông đi lại khó khăn. Tỉnh lộ 17 từ thị trấn Phong Điền đi Phong Mỹ đoạn Vĩnh Nguyên bị ngập 0,7 m. Tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 3, tỉnh lộ 10 A ngập trung bình từ 0,3m - 0,7m. Các đường liên xã dọc theo triền sông Ô Lâu, sông Bồ, ngập từ 0,5 đến 0,7m.

Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã tổ chức trực ban 24/24, triển khai công tác đối phó; bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các huyện vùng đầm phá kêu gọi ngư dân về nơi trú ẩn và quản lý chặt chẽ các phương tiện đánh bắt thuỷ sản không cho ra khơi để đảm bảo an toàn. Tỉnh chuẩn bị phương án sơ tán khoảng hơn 20.000 dân vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở cao; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, chất đốt, đề phòng thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ dài ngày.


TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN