Tại huyện miền núi Như Xuân, mưa lớn đã khiến mực nước sông, suối trên địa bàn dâng cao, nhiều vị trí đập tràn trên tuyến tỉnh lộ 520B bị ngập. Hiện các thôn, làng của các xã Thanh Hòa, Thanh Quân, Thanh Lâm, Thanh Phong đang bị chia cắt tạm thời với trung tâm huyện, chính quyền đã cử người chặn gác không cho người và phương tiện qua điểm ngập để bảo đảm an toàn. Tại các đập tràn bị nước lũ ngập sâu, chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, cắt cử lực lượng canh gác không cho người và phương tiện lưu thông qua đập tràn để đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Đáng chú ý, nước ở sông Quyền dâng cao khiến 119 hộ với 430 nhân khẩu của thôn Thanh Sơn bị cô lập với bên ngoài, nhiều diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch cũng bị ngập sâu.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: UBND huyện đã huy động các lực lượng tham gia cùng người dân ứng phó với mưa lũ. Tại các đập tràn bị nước lũ ngập sâu, lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo, tuyệt đối không cho người và phương tiện đi qua đập tràn lúc mưa lũ đổ về. UBND huyện cũng đã có phương án hỗ trợ lương thực, thực phẩm, các đồ dùng thiết yếu cho người dân ở vùng sâu, vùng xa nếu bị nước lũ cô lập, chia cắt dài ngày.
Tương tự tại huyện miền núi Như Thanh, mưa lớn kéo dài trong 2 ngày qua đã khiến hơn 100 ha lúa mùa bị thiệt hại, trong đó 56,3 ha bị ngập và 44,5 ha bị đổ rạp. Các xã Xuân Thái, Xuân Khang bị ngập nặng, nhiều thôn trên địa bàn bị chia cắt và cô lập với hơn 1.000 hộ dân. Để bảo đảm an toàn cho nhân dân, xã Xuân Khang, xã Xuân Thái đã lập chốt tại 7 điểm đường tràn để cảnh báo và ngăn không cho người dân đi qua để tránh nguy hiểm và tai nạn đáng tiếc.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Qua đó các địa phương đã chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra, khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, các địa phương tiến hành rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.