Nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên đối với lĩnh vực gìn giữ hòa bình sẽ góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, nâng cao uy tín, vị thế của Quân đội và tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN làm rõ hơn chặng đường 10 năm Ngày truyền thống Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ Quốc phòng, và những bước đi tiếp theo của lực lượng.
Thưa Đại tá, xin ông khái quát những kết quả, ý nghĩa mà Việt Nam đã đạt được qua 10 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc?
Trong 10 năm qua, kết quả nổi bật là Việt Nam đã có hơn 800 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị, trong đó có 114 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân.
Chúng ta có ba mốc chính trong 10 năm qua. Đó là triển khai hai sĩ quan cá nhân đầu tiên vào năm 2014, triển khai đơn vị đầu tiên là bệnh viện dã chiến cấp 2 vào năm 2018 và triển khai Đội Công binh số 1 vào năm 2022. Những mốc thời gian cho thấy, cứ 4 năm chúng ta nâng lên một bước.
Đối với các vị trí cá nhân, chúng ta có tỷ lệ các cán bộ hoàn thành đặc biệt xuất sắc - tiêu chí cao nhất (theo 5 cấp của Liên hợp quốc) đạt trên 30%. Đây là tỷ lệ rất cao so với mặt bằng chung của các quốc gia tham gia gìn giữ hòa bình. Điều này đã tạo nên hình ảnh các sĩ quan Việt Nam với tính chuyên nghiệp, chuyên môn cao, nhiệt tình công tác. Tính kỷ luật của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được bạn bè quốc tế và thế giới công nhận.
Về loại hình đơn vị, chúng ta triển khai thành công bệnh viện dã chiến cấp 2 ở địa bàn rất khó khăn, hoạt động ở môi trường phức tạp, thiếu thốn về hạ tầng, tuy nhiên yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật lại đòi hỏi đạt chuẩn quốc tế, song chúng ta đã đáp ứng được. Đối với bệnh viện dã chiến, không phải quốc gia nào cũng triển khai được trọn vẹn, hoàn thành tốt nhiệm vụ Liên hợp quốc giao, nhưng chúng ta có lợi thế là Quân đội Việt Nam tự đào tạo được nguồn lực quân y, đây là điều nhiều quốc gia không thể đáp ứng.
Sau 4 năm triển khai bệnh viện dã chiến, chúng ta có bước nhảy vọt là triển khai đội Công binh với quân số 184 cán bộ, nhân viên, cùng trang thiết bị rất lớn với gần 150 loại xe, máy... Tổng số hàng hóa mang theo lên tới hơn 2.200 tấn. Việc triển khai số lượng quân nhân, xe, máy như vậy rất khó. Ở phái bộ Abyei, nhiều quốc gia sau hai năm vẫn chưa triển khai xong một đơn vị, trang thiết bị vẫn chưa sang được đến nơi, còn chúng ta triển khai hoàn thành toàn bộ trong một tháng.
Với bệnh viện dã chiến, trong điều kiện khó khăn ở Nam Sudan nhưng chúng ta vẫn đạt được thành tích rất cao. Bệnh viện dã chiến cấp 2 "tiền nhiệm" chỉ có 200 - 300 bệnh nhân. Từ khi bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam triển khai đến phái bộ, một năm chúng ta tiếp nhận từ 1.200 - 2.000 bệnh nhân. Điều này cho thấy, bệnh viện của Việt Nam có năng lực cao, tinh thần phục vụ rất tốt mới đón được số lượng bệnh nhân mới lớn như vậy. Ngoài bệnh nhân là cán bộ, nhân viên Liên hợp quốc, chúng ta còn đón nhiều bệnh nhân là người dân sở tại với tinh thần nhân đạo.
Với đội Công binh tại Abyei, Tư lệnh Phái bộ UNISFA, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và các quan chức... khi đến thăm đều đánh giá Đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt mong đợi của Liên hợp quốc. Không chỉ hoàn thành rất tốt, rất nhanh, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ của Liên hợp quốc trong những tình huống, điều kiện khó khăn, chúng ta còn làm công tác nhân đạo, làm cống thoát nước, xây trường học, hỗ trợ nhân dân... Đó là những điều vượt ngoài mong đợi của Liên hợp quốc, giúp Đội Công binh để lại tiếng vang lớn, được đánh giá là đã làm thay đổi bộ mặt của phái bộ với nhân dân địa phương.
Chúng ta đã học hỏi được những kinh nghiệm gì khi làm việc trong môi trường quốc tế, thưa Đại tá?
Qua đánh giá, tổng kết hoạt động của các sĩ quan cá nhân và các đội hình cấp đơn vị, ai cũng nhận thấy lợi ích to lớn khi có cơ hội được làm việc, trải nghiệm trong môi trường hoạt động như vậy.
Năng lực ngoại ngữ được nâng lên rõ rệt. Chúng ta cũng học hỏi được rất nhiều từ thế giới. Chúng ta có nhiều điểm mạnh, nhưng thế giới cũng có rất nhiều ưu điểm, là cơ hội cho sĩ quan Việt Nam học tập. Hoạt động trong môi trường đa quốc gia, công việc liên quan đến luật quốc tế, với những vấn đề giải quyết xung đột, bảo vệ phụ nữ, trẻ em... cũng như nhiều điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và là thành viên, do đó đòi hỏi phải tuân thủ, chấp hành rất nghiêm ngặt. Điều này cũng góp phần nâng cao trình độ cho các quân nhân của Việt Nam. Những kinh nghiệm, kiến thức đó tiếp tục được áp dụng rất tốt kể cả khi cán bộ của ta đã kết thúc nhiệm kỳ tại phái bộ, về các đơn vị công tác, giúp họ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn khi có công việc phối hợp với đối tác, bạn bè quốc tế.
Xin Đại tá cho biết công tác tạo nguồn lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam hiện có những thuận lợi và khó khăn như thế nào? Trong thời gian tới, Việt Nam có mở rộng thêm các vị trí và đội hình tham gia hoạt động này không, thưa ông?
Việc chúng ta ngày càng mở rộng về số lượng cũng như lĩnh vực tham gia tạo ra thách thức về tạo nguồn cán bộ trong lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Hiện nay, Cục Gìn giữ giữ hòa bình được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị cho phép Cục tuyển các cán bộ trong toàn quân. Như vậy chúng ta có nguồn cán bộ rất lớn từ các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, các học viện, nhà trường...
Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là ngoại ngữ. Có cán bộ chuyên môn cao nhưng ngoại ngữ hạn chế, ngược lại cán bộ có ngoại ngữ thì chuyên môn có hạn chế. Vì vậy chúng ta phải làm sao để tuyển cán bộ vừa có chuyên môn, vừa có ngoại ngữ song hành. Đây là điều khó khăn trong suốt 10 năm qua. Chúng ta luôn phải nỗ lực để tìm ra những cán bộ có năng lực nhất, phù hợp nhất với từng nhiệm vụ, đáp ứng các vị trí cụ thể.
Về kế hoạch mở rộng các vị trí cá nhân, chúng ta tiếp tục tìm kiếm các phái bộ mới, tuy nhiên đặt mục tiêu triển khai ít nhất 3 cán bộ tại một thời điểm ở một phái bộ, để tạo ra một tập thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau, đồng thời thành lập chi bộ để các đồng chí có điều kiện sinh hoạt đảng.
Về mở rộng loại hình đơn vị, chúng ta đang nghiên cứu những loại hình phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Quân đội, như kiểm sát quân sự, bảo vệ sở chỉ huy... Tuy nhiên, việc triển khai rất khó khăn vì tính cạnh tranh giữa các quốc gia rất cao. Hiện nay trong hệ thống đăng ký của Liên hợp quốc cho các vị trí cấp đơn vị luôn có hàng chục quốc gia, do đó để được chọn lựa và triển khai được, chúng ta phải có bước chuẩn bị rất lâu dài, kỹ lưỡng. Khi muốn mở rộng loại hình mới, bước chuẩn bị cần rất chắc chắn mới có thể đạt được kết quả.
Bên cạnh cử quân, chúng ta còn một mục tiêu khác là đưa Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phát triển thành một trong những trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình hàng đầu khu vực. Thời gian tới, phương hướng trọng tâm để đạt mục tiêu này là như thế nào, thưa Đại tá?
Ban đầu khi hai cán bộ đầu tiên triển khai năm 2014, chúng ta phải mời một số tùy viên quân sự nước ngoài là đối tác của Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm. Khi ở những bước đầu tiên, chúng ta chưa tự đào tạo được nên phải nhờ đến bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, trong 10 năm từ đó đến nay, chúng ta đã tự đào tạo được các khóa cá nhân từ nguồn các cán bộ hoàn thành nhiệm kỳ công tác trở về, tùy theo vị trí đã làm nhiệm vụ để huấn luyện lại cho các đồng chí tiếp theo. Chúng ta đã áp dụng huấn luyện tiền triển khai cấp đơn vị, điều này rất khó vì phải theo hệ thống chương trình, đào tạo, giáo trình của Liên hợp quốc với rất nhiều nội dung. Không thể nào đưa cả một đơn vị ra nước ngoài huấn luyện được. Với việc này chúng ta đã làm rất thành công, từ các đồng chí đi cá nhân, có kinh nghiệm trở về, cùng với sự hỗ trợ của các nước khác ở vài bộ môn, bài giảng..., chúng ta đã chủ động hoàn toàn được huấn luyện tiền triển khai ở cấp đơn vị.
Đây là một việc rất khó vì khi Liên hợp quốc sang kiểm tra đơn vị, họ kiểm tra chi tiết từng bài giảng, thậm chí cả cuốn sổ đăng ký học viên hằng ngày… Song chúng ta đã làm bài bản, nghiêm túc, với hệ thống hồ sơ, sổ sách rất tốt, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Liên hợp quốc về các chương trình huấn luyện. Thành công và chủ động công tác đào tạo đối với cấp đơn vị, đây là một bước tiến rất quan trọng trong huấn luyện của chúng ta.
Đối với đào tạo quốc tế, trong 10 năm, từ không có kinh nghiệm, phải nhờ giáo viên, giảng viên của các nước đến giảng dạy, sau đó là kết hợp giảng viên, giáo viên quốc tế với trong nước, đến nay chúng ta đã tổ chức được các khóa huấn luyện chuyên môn rất cao, phối hợp giữa quốc tế và Việt Nam, tổ chức tại Việt Nam để đào tạo cho học viên các nước trong khu vực và quốc tế. Liên hợp quốc đã tới kiểm tra rất nhiều lần các bài giảng; quan sát, đánh giá và công nhận các giảng viên của Việt Nam. Đây là cả quá trình nỗ lực tích lũy kinh nghiệm trên thực tế và trên giảng đường của các đồng chí để có thể đạt chuẩn.
Trong những năm qua, chúng ta đã tổ chức đào tạo được rất nhiều khóa như vậy. Hiện nay chúng ta cũng đang tổ chức các khóa huấn luyện có cả học viên Việt Nam và quốc tế, giảng viên quốc tế và Việt Nam. Ban đầu chúng ta giảng những bài phổ thông, dần dần có những bài giảng chuyên môn rất cao. Chính các cán bộ đã đi về trực tiếp giảng những môn học liên quan đến nội dung chương trình đó.
Có thể nói con đường đi đến trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình mang tầm vóc khu vực và quốc tế của Việt Nam đang hình thành và đạt kết quả tốt. Chúng ta chưa nói rằng mình đã đạt tầm vóc khu vực và quốc tế, nhưng chúng ta đang làm việc đó, đang xây dựng những khóa học có cả quốc tế tham gia mà chúng ta đứng trên bục giảng của chính mình, đưa những kinh nghiệm của Việt Nam đến với quốc tế. Đó là con đường đi đúng đắn và tin rằng sẽ đạt được mục tiêu đó trong thời gian ngắn.
Trân trọng cảm ơn Đại tá!