Một tháng hơn 3.000 ca mắc COVID-19, cả nước hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh

Tính đến sáng 27/5, tròn một tháng kể từ khi bệnh nhân đầu tiên của đợt dịch thứ tứ tại Việt Nam được công bố là bệnh nhân 2857 và lây nhiễm từ ca nhập cảnh tại nơi cách ly, Việt Nam đã vượt mốc hơn 3.000 ca lây nhiễm trong nước trong 30 ngày, nhiều hơn cả 3 đợt dịch trước cộng lại.

Ở đợt dịch thứ 3 kéo dài 3 tháng, tổng số bệnh nhân trong nước chỉ là 910 ca. 

Việt Nam đã có nhiều ngày ghi nhận số trường hợp lây nhiễm trong nước lên đến vài trăm ca, điều mà ở cả 3 đợt dịch trước đây chưa hề xảy ra. Điển hình là trong ngày 25/5, cả nước ghi nhận 444 ca trong nước, riêng tại tỉnh Bắc Giang là 375 ca. Đặc biệt, tại ổ dịch trong khu công nghiệp của Bắc Giang, tỷ lệ phát hiện dương tính trong số các mẫu được xét nghiệm có thời điểm lên đến gần 40%. Và tại nhà máy Hosiden (Khu công nghiệp Quang Châu) số lượng F1 chuyển thành F0 lên tới 55%.

Chú thích ảnh
Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại các khu công nghiệp. Ảnh: TTXVN

Thần tốc truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc khẩn về các biện pháp phòng chống COVID-19 khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp vào sáng 30/4, ngày sau khi Việt Nam phát hiện những ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở đợt dịch thứ 4, sau một tháng chỉ ghi nhận các ca nhập cảnh.

Nhìn rõ tính phức tạp, nguy hiểm của đợt dịch này, ngay tại cuộc họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu: “Trước mắt, phải khẩn trương, thần tốc hơn nữa trong truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả xảy ra với phương châm “chống dịch như chống giặc”. “Đề cao cảnh giác, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Kiểm tra, truy vết, quản lý chặt chẽ với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Thủ tướng cũng kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước, chung tay với Chính phủ, nỗ lực cao nhất, gác lại việc chưa cần thiết, ngay lập tức thực hiện các quy định của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch vì sức khỏe của mỗi cá nhân, vì sức khỏe của cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; phải thực hiện “5K+ vaccine”.

Trong suốt một tháng theo sát diễn biến dịch ở từng địa phương, nhất là ở Bắc Giang và Bắc Ninh - hai điểm nóng về số ca mắc và số người đang cách ly y tế chống dịch, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã đã liên tục có những cuộc họp khẩn với Bộ Y tế, lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương, địa phương, có những chỉ đạo sát sao cho công tác chống dịch.

Tại các cuộc họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục triển khai các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, theo tinh thần phòng là cơ bản, quyết định, chiến lược. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thần tốc hơn nữa trong các xét nghiệm chủ động, nhất là những nơi đã được khoanh vùng; sử dụng công nghệ bắt buộc theo quy định, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; tiếp tục thực hiện tốt chiến lược 5K+ vaccine.

Mới đây nhất, phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến khẩn với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các bộ, cơ quan, các lực lượng chống dịch COVID-19 tại địa phương này, sáng 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất hiện nay là tập trung đẩy lùi dịch bệnh ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Chính phủ, các bộ ngành, hai tỉnh phải tích cực, chủ động, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa, kêu gọi cộng đồng, các tỉnh, thành phố xung quanh tiếp tục hỗ trợ cùng Bắc Ninh, Bắc Giang để đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh sớm nhất có thể trong những ngày tới; đặt sức khỏe của cộng đồng, của người dân hai tỉnh trong lúc này là trên hết, trước hết; bảo đảm sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong các khu công nghiệp.

“Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương phải cố gắng thực hiện bằng được các mục tiêu này”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Lực lượng y tế lấy mẫu, xét nghiệm cho công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Nếu chậm là muộn

Đánh giá về đợt dịch này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, biến chủng SARS-CoV-2 của Anh có tốc độ lây lan nhanh gấp 1,7 lần so với chủng lưu hành trước đó nhưng biến chủng của Ấn Độ còn lây nhanh hơn, đặc biệt trong môi trường kín. “Chủng SARS-CoV-2 lần này lây rất nhanh, rất mạnh, lan rất rộng. Mật độ công nhân ở các ổ dịch tại Bắc Giang quá đông, môi trường khép kín, nhà ăn tập thể, khu vệ dùng chung. Hàng chục nghìn người sinh hoạt như thế, nguy cơ rất lớn, thực tế đã chứng minh điều này”.

“Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Mai có báo cáo với tôi, bình thường trong phòng thí nghiệm 3-4 ngày mới mọc virus, nhưng lần này ngày thứ 2 đã mọc rất nhiều, nên phát tán mầm bệnh rất nhanh. Chủng khác thì còn nghi ngờ nhưng chủng lần này nếu chậm là muộn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Đồng thời, người đứng đầu ngành y tế cũng nhấn mạnh, dịch lần này không như lần trước là lây theo chuỗi từ một người tiếp xúc tới người khác, rồi lây tiếp. Virus phát tán trong khu công nghiệp, trong không gian hẹp, trong môi trường kín thì lập tức lây cho tất cả.

Bộ trưởng Bộ  Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: “Ưu tiên nhất hiện nay là làm thế nào phòng, chống và dập cho bằng được ổ dịch ở Bắc Giang. Nếu không làm được thì chúng ta thất bại và sẽ lây ra các tỉnh, thành phố khác thì rất nguy hiểm. Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã liên tục có chỉ đạo, nhắc nhở rất sát với thực tiễn trong phòng chống dịch”.

Bộ Y tế đã liên tục cử các đoàn công tác rà soát tình hình phòng, chống, dịch tại các địa phương; thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh do hai đồng chí Thứ trưởng làm Trưởng Bộ phận nhằm kiểm soát, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại hai địa phương.

Chú thích ảnh
Hà Nội xuất quân hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Cũng ngay trong sáng 27/5, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi lãnh đạo 125 trường đại học và cao đẳng y, dược trên toàn quốc hỗ trợ nhân lực cho công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh. 

Tính đến 12 giờ ngày 27/5, có 34 cơ sở đào tạo đã thông báo với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế có 23.888 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên đăng ký tình nguyện sẵn sàng tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 khi được huy động.

Chu kỳ lây nhiễm chỉ 2 - 3 ngày

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, kết quả giải trình tự gen trong đợt dịch thứ 4 cho thấy, các bệnh nhân ở các tỉnh, thành phố hầu hết đều nhiễm chủng Ấn Độ, riêng tỉnh Hà Nam, Hải Dương không có chủng này do bệnh nhân COVID-19 tại đây có liên quan đến trường hợp nhập cảnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế, cũng cho biết: Biến chủng mới ở Ấn Độ của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn. Thực tế cho thấy, chỉ qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Đặc biệt, virus lây mạnh trong môi trường kín như quán bar ở Vĩnh Phúc, bệnh viện, địa điểm massage, nhà máy trong khu công nghiệp (dùng máy điều hòa, tập trung đông người, ngồi sát nhau…).

Trong môi trường kín, có máy điều hòa, virus lơ lửng trong không khí chứ không rơi xuống, vì thế virus lây mạnh hơn. Điều này có thể thấy rõ trong ổ dịch tại quán bar, trong khu công nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu phân tích.

Phó trưởng khoa Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) Phạm Quang Thái cũng cho biết, so với các biến chủng của virus trước đó, biến thể kép lần này của Ấn Độ lây nhanh hơn nhiều. Chẳng hạn chu kỳ lây nhiễm của đợt dịch xảy ra tại Đà Nẵng đợt tháng 7 năm 2020 là 5-7 ngày thì đợt dịch này chỉ 2-3 ngày.

Chú thích ảnh
 Cư dân tòa Park 11 - Times City đợi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

“36 tiếng sau khi tiếp xúc với mầm bệnh thì một người đã có thể có xét nghiệm dương tính và có trường hợp đã lây cho người khác sau 2 ngày bị phơi nhiễm”.

Theo các chuyên gia, biến thể mới của Ấn Độ có tăng độc lực hay không thì đến nay chưa có dữ liệu rõ ràng. Tuy nhiên, điều có thể thấy rõ trong đợt dịch thứ 4 này tại nước ta là virus lây lan rất nhanh.

Trong các đợt dịch trước, trong một nhà thường chỉ phát hiện 1-2 ca mắc nhưng trong đợt dịch này có nhiều trường hợp cả gia đình cùng mắc như trường hợp 4 người trong một gia đình ở Times City (Hà Nội) hay gia đình của cựu Giám đốc Hacinco…

Một điểm cần lưu ý là virus này lây trong không khí ở môi trường kín, bật điều hòa, không mở cửa thông thoáng khí như các công xưởng kín. Đây là môi trường lý tưởng để virus lây lan… Điều này có thể thấy qua ổ dịch trong khu công nghiệp ở Bắc Giang, rất nhiều trường hợp F1 trở thành F0.

Các bệnh viện, các khu cách ly cần mở toang cửa dù trời nóng cũng phải chấp nhận để tránh lây chéo. Việc bật điều hòa, môi trường kín khiến virus tồn lưu lâu hơn, dễ lây chéo hơn, các chuyên gia khuyến cáo

Các chuyên gia nhấn mạnh, người dân cần tuân thủ nghiêm túc Thông điệp 5K để bảo vệ bản thân, gia đình và có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần lưu ý mở cửa thông thoáng, hạn chế dùng điều hòa, hạn chế tụ tập đông người….

TTXVN/Báo Tin tức
Bộ Y tế chi viện thêm 300 nhân lực xét nghiệm cho Bắc Giang
Bộ Y tế chi viện thêm 300 nhân lực xét nghiệm cho Bắc Giang

Bộ Y tế vừa tiếp tục huy động thêm 300 nhân lực từ các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Dương… đến tâm dịch Việt Yên, Bắc Giang hỗ trợ chống dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN