Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về cõi người hiền là một mất mát vô cùng to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.Vị Đại tướng của nhân dân, Đại tướng của các Đại tướng ra đi đã làm tôi vô cùng xúc động và tiếc thương. Tôi nhớ lại những kỷ niệm vô cùng sâu sắc trong cuộc đời làm báo được gặp, được làm việc và được Bác chỉ dậy để bày tỏ lòng kính thương, yêu quý của tôi đối với Bác.
Năm 1993, chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1994) và 40 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1994), chúng tôi có biên soạn tập Diễn ca “Bài ca Người giữ nước - Sử thi Quân đội nhân dân Việt Nam” đem báo cáo Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng. Sau khi xem xong anh Đỗ Phượng gợi ý cần xin ý kiến của Đại tướng. Đại tá Nguyễn Văn Tâm, thư ký của Đại tướng bố trí cho chúng tôi gặp Đại tướng vào một ngày cuối mùa thu đầu mùa đông năm 1993. Vào khoảng 16 giờ 30 tôi và anh Nguyễn Chính, nguyên phóng viên ảnh TTXVN có mặt tại tư dinh của Đại tướng. Đây là lần đầu tiên tôi đến nơi ở và làm việc của Người. Chiều, những hàng cây cổ thụ xum xuê, che bóng mát lên ngôi biệt thự.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với cán bộ chủ chốt của TTXVN, trong chuyến thăm TTXVN ngày 16/3/1994, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Điện Biên Phủ.Thu Hoài-TTXVN |
Chúng tôi ngồi chờ Bác trong căn phòng ở khu nhà phía trái cổng vào vì Bác đang bận tiếp một đoàn Cựu chiến binh của tỉnh Thái Bình lên thăm. Trong thời gian chờ đợi chúng tôi ngắm nhìn các bức trướng, các tặng phẩm của quân, dân, chiến sỹ khắp cả nước chúc mừng Người nhân dịp sinh nhật, ngày thành lập quân đội... Đại tướng tiếp khách xong, Đại tá Tâm gọi chúng tôi vào phòng khách. Tôi hồi hộp, xúc động vô cùng vì đây là lần đầu tiên tôi được ở gần Đại tướng. Bác mặc bộ quân phục giản dị, mái tóc bạc phơ, như một người cha. Bác hiền từ đưa tay ra bắt tay tôi và anh Nguyễn Chính, tươi cười nhẹ nhàng hỏi: Chờ có lâu không? Chúng tôi thưa với Bác là biết Bác bận nên chờ một chút không sao. Bác kéo hai chúng tôi mỗi người ngồi một bên ở chiếc bàn trải khăn xanh.
- Ngồi xuống, ngồi xuống nào. Tôi đã nghe anh Đỗ Phượng và anh Tâm cho biết các đồng chí có tác phẩm gì đó viết về Quân đội nhân dân Việt Nam phải không? Nhưng trước khi vào việc hãy uống nước đi đã. Bác đẩy chén nước về phía tôi. Lúc ấy tôi là người phụ trách Viện Thông tấn của TTXVN, được các anh lãnh đạo cho phép lên gặp Đại Tướng để báo cáo, lúc đầu do quá hồi hộp vì sung sướng nên mọi thứ chuẩn bị ở trong đầu đều bay đi đâu hết, run run không nói được lời nào, chỉ vâng, dạ khi Bác hỏi thăm về công việc cơ quan, về công việc của mỗi người chúng tôi. Anh Nguyễn Chính chắc cũng như tôi nên tay cứ run run khi cầm chén nước. Nhưng sự ân cần, thân thiết như cha con làm tôi trấn tĩnh lại. Chúng tôi thưa với Bác về ý tưởng làm tập diễn ca này. Bác nghe chăm chú, không ngắt lời, sau đó chúng tôi giở từng trang, từng trang và giải thích ý nghĩa tư tưởng của những bức ảnh kèm thơ. Đến một trang, thấy chúng tôi đọc:
Cuộc kháng chiến đến giờ quyết thắng,
Ý Bác Hồ lời Đảng vang lên
Mở ra Chiến dịch Điện Biên
“Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (thơ Tố Hữu)
Bác đột ngột vỗ vai tôi “Này chữ quyết thắng có viết hoa không đấy? Nên viết hoa, vì đây là mình muốn nhấn mạnh, đúng không?”.
Đến một câu: “Chiến thuật giỏi quân càng vững chắc
Kéo pháo ra tưởng bước cờ lùi”
Tôi thấy Bác gật gù. Bác bảo: Đấy là một quyết định khó khăn, nhưng nhờ thế chúng ta đã thắng.
Và đến câu: “Đồng Mường Thanh chưa tan khói lửa
Võ Tướng quân rạng rỡ điểm quân”.
Bác cười nhẹ nhàng “Chà, Võ Tướng quân...”. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, Bác khen chúng tôi có ý tưởng hay, hoan nghênh việc ra tập diễn ca và căn dặn đại ý: Tôi không thể xem được kỹ, về cơ bản nội dung như thế là được. Truyền thống giữ nước của cha ông ta ngàn năm nay là một truyền thống vô cùng quý báu. Nêu được cái đó và phải nêu cho bằng được chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, kết hợp Chủ nghĩa yêu nước với Chủ nghĩa quốc tế vô sản, không ngừng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH với ý chí quyết chiến, quyết thắng; chú ý nêu được thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc - kỷ nguyên độc lập tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên CNXH ở nước ta. Giọng Bác nói trầm ấm, ngắn gọn nhưng thật súc tích, khúc chiết, một con người mẫn tiệp, minh triết nhất trong những con người mẫn tiệp, minh triết nhất của quân đội ta. Tôi lắng nghe Đại tướng nói, như nuốt từng lời của vị giáo sư đang giảng bài về lịch sử dân tộc trên giảng đường đại học. Chúng tôi cũng tranh thủ báo cáo với Đại tướng là đang làm Diễn ca về Bác Hồ. Đại tướng khích lệ chúng tôi và dặn: Làm về Bác là đúng, rất tốt. Không có Bác Hồ thì không có Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Nhưng nên nhớ Bác là vĩ nhân, nhưng vĩ nhân sinh ra từ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta và chính Bác Hồ lại làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta. Đại tướng nói thêm: thể thơ song thất lục bát phù hợp với hình thức diễn ca đấy.
Đại tướng nói chuyện với chúng tôi rất nhẹ nhàng, thân thiết và gần gũi. Tôi có cảm tưởng như người cha trò chuyện với những người con đi xa về.
Đại tá Tâm thấy buổi nói chuyện đã dài nên ra hiệu cho chúng tôi. Nhìn đồng hồ, chúng tôi thấy vinh dự đã được ở cạnh Người gần một giờ. Chúng tôi đứng dậy cảm ơn Đại tướng, chúc Đại tướng trường thọ để tiếp tục đóng góp trí tuệ cho Đảng, cho nước, cho dân, Có ai biết rằng lúc ấy Đại tướng đã bước vào tuổi 84. Bác tiễn chúng tôi ra tận sân, cho phép chúng tôi chụp ảnh chung. Bác đứng giữa tôi và anh Nguyễn Chính.
Bác gửi lời hỏi thăm sức khỏe anh Đỗ Phượng và các anh lãnh đạo cơ quan, chúc Thông tấn xã ngày càng phát triển.
Nhờ có sự chỉ đạo của Bác, chúng tôi đã hoàn thành tập Diễn ca gồm 5 chương với 75 ảnh lịch sử, 140 câu thơ song thất lục bát. Diễn ca đã được khắc trên đá đặt tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Gia Lâm - Hà Nội, được gửi về nhiều đơn vị quân đội và nhiều địa phương. Sau đó chúng tôi hoàn thành tiếp tập Diễn ca ảnh “Hồ Chí Minh - Anh hùng Giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới” (tập diễn ca này đã được dùng làm tặng phẩm tặng các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VIII năm 1996).
Thực ra đây không phải là lần đầu tôi có vinh hạnh được gặp Đại tướng, nhưng là lần được gặp Đại tướng trong thời gian khá dài, khi Đại tướng là người bận trăm công ngàn việc. Sau này kể từ năm 1998 đến 2006 năm nào tôi cũng rất hạnh phúc được cùng các đồng chí lãnh đạo cơ quan đến chúc mừng Bác trong dịp sinh nhật, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt nam, Tết cổ truyền dân tộc...
Tin Bác mất làm tôi bàng hoàng. Biết sự ra đi của Bác là quy luật của muôn đời nhưng không thể cầm lòng được. Tôi lặng nhìn Bác trong bức ảnh được chụp chung với Bác để ở vị trí trang trọng tại phòng khách. Nhìn dòng chữ Bác viết trên bìa tác phẩm Điện Biên Phủ “Thân tặng anh Đức Anh” cùng chữ ký, lòng tôi bồi hồi xúc động nhớ lại những lần gặp Bác, được Bác ân cần chỉ dậy.
Ngày 6 tháng 10 năm 2013
Trương Đức Anh