Kỳ vọng dự án Luật đáp ứng thực tiễn
Trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và các Đại biểu Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án luật này.
Tại phiên họp ngày 21/11, dự án Luật Dược sửa đổi sẽ được lấy biểu quyết thông qua.
Trước những khó khăn về thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian qua, các Đại biểu Quốc hội kỳ vọng những đề xuất, kiến nghị sẽ được tiếp thu trong Luật Dược sửa đổi nếu được thông qua.
Trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương cho rằng: “Thời gian qua, việc cung ứng thuốc cho người dân thiếu do đứt gãy nguồn cung trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng nữa dẫn tới thiếu thuốc là do khâu đấu thầu thuốc, vật tư còn nhiều vướng mắc.
Cử tri mong muốn qua mỗi lần sửa đổi Luật Dược, sẽ có những quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi của người dân và cần có chính sách phát triển dược phẩm trong nước, bởi nếu chủ động được nguồn cung trong nước vẫn tốt hơn việc lệ thuộc vào các quốc gia khác.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cần có quy định rõ ràng để khuyến khích phát triển y học cổ truyền. Việt Nam là nước có nền y học dân tộc có giá trị từ xưa tới nay. Việt Nam có nguồn cây dược liệu phong phú, dồi dào. Hiện, y học cổ truyền chưa được phát triển xứng tầm do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, cần có hành lang pháp lý, chính sách để phát triển. Trong dự thảo Luật Dược lần này đã được xem xét kỹ và các đại biểu hy vọng, sau khi thảo luận ở hội trường, các vấn đề này sẽ được tiếp thu, đưa vào Luật, đáp ứng mong mỏi của cử tri.
“Qua Luật Dược sửa đổi lần này, hy vọng các khó khăn sẽ sớm được khắc phục. Ngành Y tế cần có những chính sách để khi đối mặt với những tình huống cấp bách, sẽ không bị động, không bị trống về mặt pháp lý trong việc điều chỉnh các quy định liên quan đến thuốc men, vật tư y tế”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn ĐBQH TP Hà Nội kỳ vọng: Trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã nêu ra các biện pháp quản lý giá thuốc như: Công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá… Đây là những biện pháp quan trọng để quản lý giá thuốc, nhưng cần phải thể hiện trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề quản lý giá thuốc.
Việc thực hiện công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến do doanh nghiệp nhập khẩu, doanh duyệt sản xuất thuốc xác định và Bộ Y tế chỉ thực hiện kiến nghị về mức giá khi thuốc đã lưu hành trên thị trường. Trong quá trình thực hiện công bố, công bố lại, Bộ Y tế cần có những biện pháp chủ động quản lý giá thuốc, kể cả khi thuốc chưa được lưu hành trên thị trường.
Ban soạn thảo cần có những quy định việc công bố giá, kê khai giá phù hợp hơn với thực tiễn và có tính khả thi khi triển khai. Đây là những nội dung ĐBQH kỳ vọng ở Luật Dược sửa đổi.
Tiếp thu để có quy định phù hợp
Tiếp thu những ý kiến của đại biểu về sửa đổi Luật Dược, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: “Thuốc là mặt hàng đặc biệt và có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Việc thiếu thuốc điều trị và giải pháp giải quyết triệt vấn đề này, không chỉ là mục tiêu của riêng Việt Nam, mà của nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề đảm bảo cung ứng thuốc, cần phải được nhìn nhận một cách tổng thể”.
Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để giải quyết các vấn đề khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc. Luật Đấu thầu có nhiều nội dung liên quan đến y tế, đảm bảo thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và đã được tháo gỡ nhiều khó khăn. Trong đó, có nội dung liên quan đến giá thuốc. Việc mua thuốc giá thấp nhất hay phải đảm bảo được chất lượng đã được giải quyết trong Luật Đấu thầu.
Đối với Luật Dược sửa đổi, Bộ Y tế tiếp thu trên tinh thần Luật Dược (2016) còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: Vấn đề đăng ký thuốc, gia hạn giấy phép lưu hành… Năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 80 để tháo gỡ những vấn đề vướng mắc liên quan đến Luật Dược và giao Chính phủ đến ngày 31/12/2024 phải giải quyết được cơ bản những vướng mắc này, tuy nhiên việc sửa đổi tổng thể là bài toán lâu dài.
Thực hiện chỉ đạo chung của Quốc hội và Chính phủ, cơ quan soạn thảo đã phối hợp cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra theo đúng định hướng trong quá trình xây dựng dự án Luật. Các ý kiến đóng góp của các đại biểu đã được các cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để tiếp thu, giải trình. Tuy nhiên, đây là Luật chuyên ngành, mang tính chất kinh tế xã hội, liên quan đến người dân; quan điểm của cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì phải dựa trên nguyên tắc chung của lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân.
Tại kỳ họp, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đã giải trình các nội dung cụ thể như: Về chính sách phát triển công nghiệp dược; vấn đề kinh doanh chuỗi nhà thuốc; vấn đề kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử, điều kiện kinh doanh các loại thuốc; vấn đề giá thuốc...
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, về tinh thần chung, dự án Luật Dược sửa đổi là Luật quan trọng, đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp thu đầy đủ, cơ bản những ý kiến của ĐBQH và đã được sự đồng thuận cao. Hy vọng, dự án Luật Dược sửa đổi sẽ được bấm nút thông qua tại kỳ họp này.