60 năm quan hệ Việt Nam - Lào:

Mối quan hệ hợp tác chí nghĩa, chí tình giữa TTXVN và KPL

Sau 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác, nếu mối quan hệ đoàn kết, hợp tác, hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được coi là tài sản chung vô giá thì sự gắn kết, hỗ trợ đầy ân tình, hiệu quả giữa TTXVN và Khaosan Pathet Lao (tên tiếng Lào của Thông tấn xã nước Lào - viết tắt là KPL) chính là những viên ngọc quý trong kho châu báu ấy.

Chú thích ảnh
Sáng 15/1/2019, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Hà Nội), đoàn đại biểu Thông tấn xã Việt Nam do đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc dẫn đầu, hội đàm với đoàn đại biểu Thông tấn xã Pathet Lào (KPL) do Tổng Giám đốc Sounthone Khanthavong là trưởng đoàn, đang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 14 - 20/1. Trong ảnh: Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi và Tổng Giám đốc Thông tấn xã Pathet Lào (KPL) Sounthone Khanthavong ký Biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đó là sự đoàn kết, gắn bó chân thành, thủy chung, trong sáng, có một không hai giữa hai hãng thông tấn láng giềng, vừa là đồng chí, vừa là anh em, dù trong chiến tranh ác liệt hay cả quá trình gian nan xây dựng, bảo vệ đất nước.

Giúp bạn là tự giúp mình 

Vào những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất của Việt Nam, kể cả trước năm 1968, khi KPL chưa được thành lập, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) -  nay là TTXVN đã cử nhiều phóng viên, biên tập viên tin, ảnh, nhân viên kỹ thuật sang làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào với mật danh là "đi C". 

Những cán bộ, chiến sỹ Thông tấn ấy đã sớm có mặt tại các vùng giải phóng, sẵn sàng cùng đồng nghiệp nước bạn băng rừng, lội suối, không quản ngại đạn bom, kể cả hy sinh tính mạng, bám sát các cánh quân Pathet Lào, kịp thời đưa tin, ảnh nóng hổi tính thời sự, giới thiệu các vùng giải phóng cùng những chiến công của đội quân cách mạng của đất nước bạn. Tại những địa bàn chiến lược của Lào như: Sầm Nưa, cánh đồng Chum, Khăng Khay, Na Mon... luôn có mặt phóng viên VNTTX. Những sự kiện chính trị quan trọng như: thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào (1955), thành lập Mặt trận Lào Itxala (1956); tố cáo âm mưu của Mỹ - ngụy Viêng Chăn phá hoại Chính phủ liên hiệp lần thứ nhất (1957) và lần thứ hai (1962)... được thông tin kịp thời. Tin, bài, ảnh của phóng viên VNTTX được gửi về cơ quan Trung ương cách mạng Lào tại Sầm Nưa, phục vụ cho công cuộc kháng chiến Pathet Lào, cung cấp cho Đài phát thanh Pathet Lào và báo của Mặt trận Lào yêu nước. Đồng thời, những thông tin quý báu này cũng được chuyển về Hà Nội, qua đội ngũ biên tập viên phòng C- K và lãnh đạo VNTTX xử lý, phát tiếp cho các báo, đài trong và ngoài nước, giúp nhân dân Việt Nam và các nước đồng cảm, ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Lào anh em.

Từ năm 1965, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt Sầm Nưa và các vùng giải phóng Lào. Đài phát thanh Pathet Lào phải chuyển địa điểm phát sóng. Cơ sở làm việc của các chuyên gia VNTTX, kể cả nơi đặt thiết bị liên lạc cũng được chuyển về gần Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng (khi đó chưa ra công khai) và Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, chia sẻ gian khổ, hy sinh, thiếu thốn đủ bề cùng anh em, đồng chí, đồng nghiệp bạn. Máy thu phát tin và máy nổ phải đặt trong hang sâu. Bom Mỹ tàn phá, nơi ở và làm việc của chuyên gia TTXVN phải gỡ đi, dựng lại tới 5 lần... Nhưng các chiến sỹ Thông tấn của Việt Nam vẫn bám sát địa bàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt hơn nữa, cũng chính vào những năm tháng ấy, các chuyên gia VNTTX đã lặng lẽ, khẩn trương giúp bạn chuẩn bị nhân sự, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ vật tư, lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật... giúp hãng thông tấn KPL ra đời, với một tổ chức bộ máy khá hoàn chỉnh, từ các khâu phóng viên, biên tập tin, ảnh, kỹ thuật thu phát tin, kỹ thuật buồng tối (tráng phim, in và phóng ảnh), phiên dịch, đánh máy... Tất cả anh chị em không một ai nề hà việc lớn nhỏ, lao động chân tay hay trí óc, làm việc hết mình, khiêm tốn và tận tụy, thấm nhuần tinh thần liên minh, hợp tác theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ của bạn. Tất cả, đều nhớ như in lời căn dặn của Bác Hồ: "Cán bộ Việt Nam sang công tác ở Lào phải hoàn toàn ở dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Trung ương Lào, nhất là của Thủ tướng Xuphanuvông. Tuyệt đối không được tự cao, tự đại, không được bao biện...". Bởi lúc ấy, hãng thông tấn bạn còn non trẻ về nghiệp vụ, chỉ có số ít cán bộ, phóng viên Đài phát thanh Pathet Lào mới chuyển sang biết việc, còn phần lớn bỡ ngỡ về nghiệp vụ thông tin. Cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của VNTTX vừa làm chuyên gia, vừa trực tiếp tác nghiệp theo phương châm: Bước đầu "ta làm bạn xem", dần dần "ta và bạn cùng làm", tiến tới "bạn làm ta xem"... 

Công sức của họ đã được đền bù. Thật hạnh phúc đối với các chuyên gia VNTTX và cả các chiến sỹ thông tin của cách mạng Pathet Lào, khi vào ngày 5/1/1968, từ Tổng xã số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Ban biên tập tin Thế giới của VNTTX được dẫn nguồn từ Đài phát thanh Pathet Lào, phát ra năm châu bản tin đầu tiên, mang tính lịch sử về sự kiện thành lập Thông tấn xã của Neo Lao Hak Sat lấy tên là "Thông tấn xã Pathet Lào" (Khaosan Pathet Lao, viết tắt là KPL). 

Sát cánh, đồng lòng,  thủy chung, son sắc 

Sau bước ngoặt lịch sử nói trên, suốt những năm sau này, mối quan hệ TTXVN với KPL luôn bền chặt, khăng khít. Hãng thông tấn Việt Nam coi việc hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật, cử chuyên gia, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật sang giúp bạn là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng của mình. 

Từ năm 1976, KPL chuyển trụ sở làm việc về thủ đô Viêng Chăn, quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai hãng thông tấn quốc gia bước vào giai đoạn mới - hợp tác cùng phát triển. TTXVN tiếp tục chi viện sức người, sức của, cùng bạn chia sẻ thành công, cùng những nỗi gian truân, vất vả. 

Để giúp bạn phát triển nguồn nhân lực, TTXVN đặc biệt coi trọng việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Không kể các khóa đào tạo ngắn ngày, giai đoạn 1981-1985, TTXVN đã tổ chức lớp đào tạo dài hạn 4 năm, giúp hãng KPL (cùng hãng thông tấn Campuchia) bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Ông Khampan Suvannakha, một trong sáu cán bộ trẻ của KPL được cử sang TTXVN tham gia khóa học đó vẫn nhắc lại chuyện TTXVN tạo điều kiện tối đa cho các học viên được bạn cử sang: "Mặc dù đất nước Việt Nam còn hết sức khó khăn, TTXVN vẫn bố trí xe ô tô để đưa đón sinh viên Lào và Campuchia trong suốt 4 năm học. Ưu tiên hơn so với một số cơ sở đào tạo khác, tại TTXVN, sinh viên Lào được về thăm nhà mỗi năm hai lần. Tình cảm TTXVN dành cho học viên Lào thực sự là tình cảm của những người trong gia đình...".

TTXVN đã giúp KPL nâng cấp hệ thống kỹ thuật, với bước chuyển quan trọng đầu tiên là từ công nghệ morse sang công nghệ telex với thiết bị đầu cuối là các máy teletype (máy điện báo đánh chữ). Đầu năm 1969, TTXVN giúp KPL các thiết bị thu tin bán tự động và tự động với các máy teletype để từng bước tiếp cận các nguồn tin quốc tế kịp thời hơn. Nổi bật trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai hãng Thông tấn là những dự án hỗ trợ kỹ thuật luôn được triển khai một cách kịp thời và hiệu quả. 

Năm 2005, TTXVN đã hoàn thành, bàn giao lại cho hãng thông tấn bạn Dự án "Nâng cấp hệ thống thông tin của KPL" - một dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam, trị giá 2,4 tỷ đồng, do TTXVN đề xuất, xây dựng và thực hiện. Dự án góp phần quan trọng vào việc cải thiện điều kiện tác nghiệp cho phóng viên, biên tập viên và quản lý thông tin của KPL, giúp KPL từng bước nâng cao khả năng hội nhập với khu vực và thế giới.

Cuối năm 2017, TTXVN đã hỗ trợ KPL thiết kế hệ thống tác nghiệp, triển khai đề án hỗ trợ trang thiết bị tại trụ sở mới của KPL, với nhiều hạng mục, như cung cấp, lắp đặt các trang thiết bị mạng máy tính, hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ dữ liệu, hệ thống thiết bị an toàn thông tin và hệ thống nguồn UPS. Một trong những hạng mục quan trọng của dự án này là xây dựng một phòng quay (Studio) tương đối hiện đại, được trang bị đồng bộ các thiết bị phục vụ sản xuất thông tin thời sự truyền hình.

Bằng nguồn lực tự cân đối, nhiều năm qua, TTXVN không chỉ trao tặng KPL nhiều máy tính, máy ảnh, còn chủ động hỗ trợ KPL nâng cấp hệ thống thông tin, trang bị hạ tầng kỹ thuật với hệ thống máy chủ, phần mềm sản xuất thông tin, xây dựng trang thông tin điện tử bằng ba ngữ: Lào, Anh, Pháp; giúp bạn cập nhật các loại hình thông tin hiện đại như video, e-paper, hỗ trợ tăng cường giải pháp an toàn thông tin, bổ sung một số nội dung cần thiết cho các nền tảng và các tính năng trên website của KPL. Đội ngũ kỹ thuật của hai hãng duy trì kênh trao đổi để kịp thời hỗ trợ, xử lý sự cố kỹ thuật.

TTXVN còn quan tâm hỗ trợ KPL nâng cấp hệ thống kỹ thuật, cung cấp thông tin tham khảo hằng ngày; hỗ trợ làm bản tin đối ngoại; giúp lưu trữ, bảo quản phim, ảnh, tư liệu gốc do các phóng viên của TTXVN và KPL chụp trong các giai đoạn cách mạng ở Lào. Năm 1996, TTXVN đã bàn giao cho KPL gần 6.500 kiểu phim tư liệu gốc. Đây là nguồn phim ảnh tư liệu vô giá và có lẽ cũng là lớn nhất, phản ánh đầy đủ các giai đoạn lịch sử cách mạng Lào mà Việt Nam tặng bạn. "Chỉ có TTXVN là người luôn luôn dành sự giúp đỡ vô giá cho KPL", Tổng giám đốc KPL Sounthone Khanthavong đã từng khẳng định. 

Cũng chính nhờ sự hợp tác, hỗ trợ chí tình, chí nghĩa dành cho KPL, TTXVN đã vinh dự được Đảng, Nhà nước Lào trao tặng phần thưởng cao quý - Huân chương Tự do Isala hạng Nhất (năm 1995) và hạng Nhì (năm 2019)

Bước vào năm 2022, với những sự kiện đặc biệt có ý nghĩa đối với quan hệ hai nước, Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang và Tổng giám đốc Thông tấn xã KPL Khampheuy Philapha đã ký Thỏa thuận hợp tác nghiệp vụ giai đoạn 2022-2025, trong khuôn khổ hội đàm trực tuyến giữa hai hãng thông tấn, ngày 29/3. Phát biểu tại hội đàm, Tổng giám đốc Vũ Việt Trang khẳng định, sự hợp tác, cung cấp thông tin bằng nhiều hình thức giữa hai hãng thông tấn đã góp phần tăng cường quảng bá, tuyên truyền về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

Trên cơ sở điều kiện cho phép, hai bên phối hợp tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày ảnh về mối quan hệ hữu nghị giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước; mở rộng diện quảng bá thông tin trên mọi lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi nước, góp phần tăng cường mối quan hệ Việt Nam-Lào...

Có thể nói, mối quan hệ giữa TTXVN và KPL là mối quan hệ kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi giữa hai cơ quan thông tấn cách mạng, được gắn kết trong cùng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ, những người làm báo TTXVN và KPL sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới, triển khai có hiệu quả các nội dung hợp tác, giữ vững vị trí, vai trò là những cơ quan báo chí chủ lực của Việt Nam - Lào, đồng thời góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.

Phúc Hằng (TTXVN)
Cùng vun đắp, gìn giữ quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào
Cùng vun đắp, gìn giữ quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào

Sáng 27/7, trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith; chào xã giao Thủ tướng Phankham Viphavanh, Chủ tịch Quốc hội Xaysomphone Phomvihane. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN