Xin Đại sứ cho biết kết quả Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình Thế giới?
Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình Thế giới và Hội nghị Hòa bình Hà Nội đã thành công rất tốt đẹp; tạo một dấu mốc mới trong lịch sử hơn 70 năm hình thành và phát triển của Hội đồng. Đây là lần đầu tiên Đại hội được tổ chức tại Việt Nam với sự tham dự đông đảo của gần 100 đại biểu đến từ gần 50 quốc gia, trong đó có đại biểu đại diện các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đến từ các tổ chức có quan hệ hữu nghị và hợp tác với Hội đồng Hòa bình Thế giới như: Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Thế giới, Liên đoàn Thanh niên dân chủ Thế giới, Liên đoàn các tổ chức Công đoàn Thế giới, Liên đoàn Hội Luật gia dân chủ Thế giới.
Các cuộc trao đổi tại Hội nghị diễn ra sôi nổi. Các đại biểu đã thống nhất thông qua Tuyên bố chính trị của Đại hội, trong đó thể hiện thông điệp rất mạnh mẽ về quyết tâm, nỗ lực tăng cường đoàn kết, tăng cường tập hợp các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới để tiếp tục đấu tranh vì hòa bình, công lý, dân chủ, công bằng xã hội và phát triển bền vững, chống lại chiến tranh, chống lại áp bức, bóc lột, bất công. Thông điệp này có sức lan tỏa rất rộng rãi và có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ chiến tranh, các thách thức an ninh phi truyền thống và cả những vấn đề rất nghiêm trọng như suy thoái môi trường.
Thông điệp này còn gửi đi một quyết tâm rất mạnh mẽ của các lực lượng hòa bình và tiến bộ: "Chung tay đấu tranh vì phát triển bền vững, thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ hành tinh; bảo vệ, xây dựng một tương lai tốt đẹp cho các thế hệ mai sau".
Một thành công nữa, thông qua Đại hội, chúng ta được sống trong những Ngày hội của tình đoàn kết quốc tế dành cho Việt Nam. Các phát biểu của Đại hội một lần nữa khẳng định sự ủng hộ hết sức to lớn và mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ trên thế giới dành cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, ủng hộ những nỗ lực của chúng ta nhằm xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, đi theo con đường phát triển chủ nghĩa xã hội. Chúng ta cũng được chứng kiến tình cảm ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Việt Nam, nhân dân Việt Nam và những thành tựu hết sức to lớn đạt được trong xây dựng và phát triển đất nước. Thành công của Đại hội là thông điệp bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.
Các đại biểu rất xúc động được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành nhiều thời gian trao đổi với các đại biểu. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự, phát biểu khai mạc Đại hội; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng dành thời gian trao đổi, tiếp xúc với các đại biểu.
Hội nghị Hòa bình Hà Nội lần này và Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình Thế giới đã tạo nên một bức tranh rất mới về các hoạt động của Hội đồng. Qua trao đổi, tiếp xúc, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo của Việt Nam từ khâu nội dung, hậu cần, sự phối hợp với Ban Thư ký Hội đồng Hòa bình Thế giới, với các vị lãnh đạo Hội đồng. Tất cả những điều này đã tạo nên một không khí chân thành, cởi mở, tích cực để các đại biểu có thể chia sẻ được suy nghĩ, đề xuất sáng kiến, là cơ hội rất quý để các đại biểu có thêm hiểu biết về đất nước, con người Việt Nam.
Tôi cho rằng, sự kiện được tổ chức thành công, để lại dấu ấn rất tốt đẹp về Thủ đô Hà Nội, đất nước Việt Nam. Đây cũng là một cơ hội tốt để quảng bá về Việt Nam với thế giới và bạn bè quốc tế.
Tại Đại hội lần này, Việt Nam đã thể hiện sự tri ân như thế nào với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong những năm tháng chiến tranh cũng như trong cuộc chiến đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thưa Đại sứ?
Đây là nội dung rất quan trọng, được thể hiện trong phát biểu của các đại biểu, cũng như trong Tuyên bố chính trị của Hội đồng Hòa bình Thế giới. Thông điệp được truyền tải ở đây là: Đại hội và Hội đồng Hòa bình Thế giới khẳng định lại lập trường ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam; tiếp tục phối hợp với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong cuộc chiến đòi công lý, hỗ trợ các nạn nhân.
Đây cũng là dịp rất quý để chúng ta bày tỏ sự tri ân của các thế hệ người dân Việt Nam đối với sự đóng góp hết sức to lớn, sự ủng hộ quý báu của Hội đồng Hòa bình Thế giới và bạn bè quốc tế, trong đó có rất nhiều đại biểu đang dự hội nghị.
Tôi thực sự cảm động trước sự có mặt của các bạn ở đây. Điều này rất có ý nghĩa bởi không phải lúc nào chúng ta cũng có điều kiện để tri ân bạn bè. Lần này các bạn đến đây, tận mắt chứng kiến sự đổi thay của Việt Nam; sự phát triển, thành tựu của Việt Nam trong xây dựng đất nước, cuộc sống hạnh phúc của người dân Việt Nam chính là lời cảm ơn quý giá nhất dành cho các bạn bởi các nỗ lực của các bạn đã mang lại kết quả cho Việt Nam ngày hôm nay. Việt Nam hôm nay là một đất nước hòa bình, độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc. Đó chính là lời cảm ơn tốt nhất mà chúng ta dành cho các bạn thế giới.
Trong bối cảnh thế giới phức tạp và cạnh tranh hiện nay, Việt Nam sẽ có đóng góp gì cho phong trào hòa bình thế giới, thưa Đại sứ?
Thông điệp mạnh mẽ của Hội nghị lần này là kêu gọi chấm dứt chiến tranh, xung đột; giải quyết mọi xung đột bằng biện pháp hòa bình, chống chạy đua vũ trang, kêu gọi giải trừ quân bị; kêu gọi tập trung các nỗ lực để phát triển, giải quyết các vấn đề cộng đồng thế giới đang phải đối mặt, dồn toàn bộ nguồn lực phục vụ phát triển bền vững, chống nghèo đói, chống bất công.
Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập Hội đồng Hòa bình Thế giới, cũng là thành viên được tín nhiệm bầu vào Ban lãnh đạo Hội đồng trong nhiều nhiệm kỳ. Chúng ta sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, là thành viên có trách nhiệm đóng góp vào những công việc chung của Hội đồng. Trước hết, đó là tăng cường sự đồng thuận, đoàn kết, nhất trí trong các tổ chức thành viên của Hội đồng cũng như trong hợp tác giữa Hội đồng với các tổ chức hòa bình, tiến bộ trên thế giới để thực hiện mục tiêu chung: Đấu tranh vì hòa bình, vì phát triển bền vững, chống lại áp bức, bất công.
Việt Nam sẽ có những chương trình hoạt động riêng của quốc gia. Phía Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng Hòa bình Thế giới cũng như đóng góp sáng kiến vào những nỗ lực chung; tiếp tục thúc đẩy hòa bình, giải quyết mọi xung đột bằng biện pháp hòa bình, tăng cường nhận thức của người dân về tầm quan trọng của hòa bình, tham gia vào các nỗ lực để thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có vấn đề bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực, từ đó trang bị cho người dân những kiến thức về luật pháp, hòa bình, để mỗi người dân là một sứ giả hòa bình và đóng góp vào việc xây dựng một cuộc sống hòa bình và hạnh phúc.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ.