Tâm điểm phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) sáng 9/9 tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách là việc rà soát loại bỏ các ngành, nghề không cần cấm; cắt giảm những ngành nghề có điều kiện, các điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết, gắn với đơn giản hóa các thủ tục hành chính... Là dự án luật được đặc biệt quan tâm trong quá trình triển khai thi hành Hiến pháp, với định hướng mọi người dân có quyền tự do kinh doanh những lĩnh vực mà luật pháp không cấm, sau nhiều lần được cho ý kiến, Danh mục các ngành nghề kinh doanh bị cấm, kinh doanh có điều kiện và ưu đãi kinh doanh – những nội dung quan trọng nhất trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung, trình hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN. |
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các danh mục quan trọng này được xây dựng theo nguyên tắc: Rà soát, loại bỏ các quy định trùng lặp tại Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư theo Luật đầu tư, Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo Luật thương mại, đồng thời hợp nhất các Danh mục này để quy định các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Luật đầu tư.
Theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật.
Sau khi xem xét, cân nhắc, cơ quan soạn thảo đã thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 4 của Dự thảo Luật và 326 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Phát biểu chỉ đạo buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng định hướng, yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật nói chung phải đảm bảo quyền tối cao về tự do, dân chủ của người dân.
Theo tinh thần đó, Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) phải thực sự đổi mới, phải xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi và minh bạch hơn. Trong quá trình xây dựng, dự thảo Luật phải đảm bảo quyền kinh doanh của người dân bởi đây cũng chính là quyền con người và theo Hiến pháp, quyền con người chỉ có thể bị hạn chế bằng luật.
Đa số các ý kiến tại buổi thảo luận đều dành thời gian phân tích và nêu quan điểm về những ngành nghề trong các danh mục cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Các đại biểu cho rằng việc quy định danh mục các ngành nghề này trong luật cần tính đến xu hướng phát triển của nền kinh tế, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển những lĩnh vực kinh doanh mới, cần kêu gọi đầu tư.
Đối với quy định ngành nghề cấm kinh doanh, có đại biểu đề nghị nên cấm tuyệt đối, bỏ quy định tại Điều 4: “trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng” vì đây là khái niệm chung chung, không rõ cơ quan nào được phép đặt hàng, khó thực thi trong thực tế.
Cũng có ý kiến cho rằng, trên thực tế, có tình trạng kinh doanh trôi nổi quân trang, quân dụng ngoài thị trường, không kiểm soát được, vì vậy lĩnh vực này không nên đặt trong danh mục ngành nghề cấm kinh doanh mà nên chuyển sang danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Về vấn đề này, cũng có đại biểu phân tích, lĩnh vực kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an trong tương lai có thể là lĩnh vực được Nhà nước kêu gọi đầu tư, vì vậy không nên cấm mà chỉ cần đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Đối với hành vi mua, bán người và các bộ phận cơ thể người là một tội danh trong Bộ luật Hình sự, là hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự vì vậy không cần thiết phải đưa vào Luật Đầu tư. Các đại biểu cũng đề nghị nên cấm cả hoạt động liên quan đến nghiên cứu sinh sản vô tính trên cả động vật, không chỉ cấm kinh doanh sinh sản vô tính trên người; còn hoạt động kinh doanh biến đổi gien cần cấm kinh doanh cả động vật lẫn thực vật để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Quang Vũ