Hiện các tỉnh miền trung đang khẩn trương lên phương án phòng chống bão số 7. Các địa phương kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa, di dời dân khỏi nơi có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão...
* Từ đêm mùng 5 đến sáng 6/10, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa và gió bắt đầu lớn dần. Hiện nay, tại các địa phương ven biển nơi trung tâm bão sẽ đi qua như các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn và Quy Nhơn, công tác di dân từ nơi nguy hiểm lên vùng cao bắt đầu được triển khai.
Dự kiến đường đi của bão. Nguồn: nchmf.gov.vn |
Ông Phạm Văn Trà, Phó Trưởng Ban phòng chống lụt bão huyện Phù Mỹ cho biết: Các lực lượng xung kích đang giúp di chuyển 150 hộ ở thôn Phú Hoà, xã Mỹ Đức lên nơi an toàn; tăng cường công tác kiểm tra việc chằng chống nhà cửa của nhân dân, neo đậu an toàn tránh va đập làm chìm tàu cá tại các âu thuyền. Riêng 3 362 ha diện tích lúa vụ 3 đã huy động lực lượng thu hoạch được 221 ha, còn 568 ha chưa thu hoạch được do trời mưa và gió to.
Theo ông Nguyễn Minh Phụng - Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, công tác kiểm tra lần cuối các phương án và chỉ đạo ứng phó với bão số 7 đang được địa phương tiến hành rất khẩn trương. Đến trưa 6/10, huyện tổ chức lực lượng xung kích di dời 100/300 hộ ở nơi nguy hiểm do ảnh hưởng triều cường tại các xã Cát Khánh, Cát Hải và Cát Tiến. Nếu tình hình bão phức tạp sẽ tiếp tục di dời tiếp số hộ dân theo phương án đã có.
Tại huyện Hoài Nhơn, đến sáng 6/10 đã di dời được 112 hộ dân thuộc các xã Hoài Hải, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Tam Quan Bắc, Hoài Châu Bắc và Hoài Thanh. Tại âu thuyền tam Quan Bắc, 1170 tàu thuyền trong và ngoài tỉnh đã vào neo đậu an toàn. Các Ban phòng chống lụt bão huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn đang khẩn trương kiểm tra các công trình trọng điểm, vận động người dân vùng triều cường uy hiếp tại các xã ven biển, các hộ dân có nhà cửa không an toàn vào lánh nạn tại nơi an toàn.
* Theo báo nhanh của Văn phòng thường trực B an chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của bão số 7 nên từ rạng sáng 6/10, trên địa bàn Quảng Ngãi đã có mưa trên diện rộng. Tổng lượng mưa đo được đến 7 giờ ngày 6/10 là từ 4-13 mm. T heo dự báo, từ trưa và chiều tối ngày 6/10 , lượng mưa trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên từ 150-300mm.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo các Đồn Biên phòng, các đài canh duy trì liên lạc với các phương tiện đang hoạt động trên biển, thông báo tình hình diễn biến bão số 7 và hướng dẫn các phương tiện phòng, tránh bão an toàn; rà soát, thống kê nắm chắc số người, phương tiện hành nghề trên biển. Nhằm hạn chế những thiệt hại do bão, lũ gây ra, công tác di dời, sơ tán nhân dân ở những vùng có nguy cơ rủi ro cao đang được các địa phương triển khai khẩn trương. Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 13.600 hộ dân nằm trong diện di dời khẩn cấp, hiện các địa phương cũng đã sẵn sàng triển khai di dời, sơ tán khi có lệnh.
Trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền, trong ngày 5 và sáng 6/10, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, BCH PCLB và TKCN, các sở ngành và địa phương tổ chức nhiều đoàn công tác, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão, nhắc nhở các địa phương nhằm hạn chế đến mức thấp nhất về người và tài sản do bão lũ gây ra. H uyện Trà Bồng đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, cơ số thuốc và dự trữ lương thực, sẵn sàng phương án di dời sơ tán 1.556 hộ ở các khu vực có nguy cơ cao; điều động lực lượng quân sự huyện giúp nhân dân dựng lán trại, nhà bạt tại nơi ở tạm. Huyện Lý Sơn cũng đã dự trữ lương thực cùng hàng chục tấn lương thực, thực phẩm trong dân, đảm bảo nhu cầu sinh sống khoảng 15 ngày khi có biển động kéo dài.
* Sáng 6/10, các thành viên trong Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Phú Yên tiếp tục phối hợp chính quyền các địa phương trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng thanh niên xung kích, dân phòng giúp dân sơ tán đến những khu vực đã định sẵn, dự kiến hoàn thành trước 2 giờ chiều cùng ngày.
UBND tỉnh Phú Yên cũng đã thông báo công điện khẩn yêu cầu Bộ đội biên phòng kiểm tra nghiêm ngặt, cấm tàu thuyền ra biển, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn; thông báo cho 255 phương tiện với 1567 lao động còn hoạt động trên biển tìm nơi tránh trú. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên duy trì kíp trực 24/24, sẵn sàng điều động khoảng 200 cán bộ chiến sĩ với 5 ô tô, 6 tàu, 10 ca nô…để cứu hộ, cứu nạn. Sở giáo dục và Đào tạo phối hợp các địa phương cho các trường nghỉ học từ trưa ngày 6/10. Các địa phương chủ động bố trí người gác trực tại các ngầm, tràn, nơi có nước chảy xiết và các vị trí xung yếu để hướng dẫn đi lại; cấm các phương tiện đò ngang, đò dọc hoạt động và không để xảy ra tình trạng người đi vớt củi, gỗ trên sông, suối…
Sáng 6/10, Nhà máy thuỷ điện Sông Ba Hạ bắt đầu tăng lưu lượng xả lên 600 mét khối/giây. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Phú Yên ông Lê Văn Trúc đã chỉ đạo Sở Công thương phải giám sát việc xả lũ giữa các Nhà máy thuỷ điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’năng; yêu cầu các nhà máy căn cứ dự báo tình hình mưa lũ trên lưu vực sông Ba để kịp thời điều tiết xả nước, hạ thấp mực nước hồ chứa hợp lý để đón lượng nước do mua lũ về hồ nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Viết Ý, Đăng Lâm, Thế Lập