Chiều 7/1, ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết vào lúc 10h30 sáng cùng ngày, máy bay thuộc Trung tâm cứu hộ của Lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản đã có mặt tại khu vực các thuyền viên tàu Vinalines Queen bị mất tích để triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Để thực hiện kế hoạch tìm kiếm này, chiều 6/1 Bộ Giao thông Vận tải đã gửi văn bản khẩn sang Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đề nghị liên hệ với các cơ quan chức năng của nước này xin được tạo điều kiện thuận lợi, cấp phép bay cho máy bay của Nhật Bản thực hiện việc tìm kiếm các thủy thủ Việt Nam mất tích.
Nhật Bản đã cử máy bay đến khu vực các thuyền viên tàu Vinalines Queen mất tích để triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn. Nguồn: Internet. |
Do khu vực tìm kiếm thuộc Philippines nên cũng trong tối 6/1, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC), Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị Bộ Ngoại giao chính thức có công hàm xin phép Philippines cho máy bay của Nhật Bản vào tìm kiếm các thủy thủ tàu Vinalines Queen trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, ngày 5/1, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, ông Đinh La Thăng và Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Nguyễn Cảnh Việt đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, để gửi công hàm đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ, cử máy bay thực hiện tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên đang mất tích của tàu Vinalines Queen. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã báo cáo lên Chính phủ Nhật Bản để liên hệ với Lực lượng tìm kiếm cứu hộ của Nhật Bản lên phương án hỗ trợ trong công tác tìm kiếm các thuyền viên của tàu Vinalines Queen còn đang mất tích.
Liên quan đến đợt tìm kiếm này, phía Nhật Bản đã liên lạc với Việt Nam MRCC để đánh giá lại khả năng sống sót của các thuyền viên tàu Vinalines Queen. Lực lượng của Nhật Bản quan tâm đặc biệt tới chi tiết trước khi tàu Vinalines Queen bị chìm thì các thủy thủ đã mặc quần áo chống mất nhiệt và áo phao, trong khi đó hòn đảo gần nhất với vị trí tàu Vinalines Queen chìm có khoảng cách là 167 km. Hai bên đưa ra đánh giá có thể các thủy thủ vẫn sống sót nếu trôi dạt được lên các đảo trong 7 đảo san hô thuộc vùng biển đảo Luzon nên quyết định dùng máy bay tìm kiếm.
Được biết, trong những ngày qua, việc thông báo tìm kiếm 22 thuyền viên của tàu Vinalines Queen đã được Việt Nam MRCC triển khai trên phạm vi rộng hơn. Ngoài khu vực các đảo san hô thuộc vùng biển gần đảo Luzon, vùng tìm kiếm mở rộng về phía bắc đảo Hải Nam đến đảo Luzon và phía tây đảo Okinawa của Nhật Bản.Việt Nam MRCC đã thông báo tìm kiếm rộng rãi tới các tàu hoạt động trong khu vực trên cũng như đề nghị cơ quan cứu nạn các nước liên quan phối hợp.
Công ty vận tải biển Vinaline cho biết: trong ngày 5/1 máy bay của lực lượng Phòng vệ bờ biển Philipines (Philippines Coast Guard) và Không quân Philippines đã tiến hành tìm kiếm tìm kiếm 22 thuyền viên tàu Vinalines Queen nhưng không đạt kết quả. Đến ngày 6/1, do thời tiết xấu nên các lực lượng đã tạm dừng bay tìm kiếm.
Thực hiện theo nguyện vọng của gia đình 12 thuyền viên trong tổng số 22 thuyền viên còn đang mất tích của tàu Vinalines Queen, Tổng công ty hàng hải Việt Nam và Công ty vận tải biển Vinaline đã lên kế hoạch tổ chức một lễ cầu siêu cho các thủy thủ bị mất tích vào chiều tối 9/1 tại Hải Phòng. Ông Nguyễn Cảnh Việt cho biết, đại diện gia đình 12 thuyền viên đã ký cam kết với công ty chủ tàu về nguyện vọng muốn được tổ chức buổi lễ này.
Hồng Ninh