Luôn khắc sâu lời Bác

Kể từ lần đầu tiên được gặp Bác cách đây 48 năm, đối với ông Nguyễn Văn Bít, những lời Bác dặn dò, hỏi han, nhắc nhở trong lần gặp đầu và hai lần sau đó vẫn luôn vang vọng, theo suốt ông trong quá trình công tác.


Trong cuộc đời mình, ông Bít có một vinh dự lớn là 1 trong 6 người con Hải Dương được Bác Hồ chọn cử đi học cách trồng lúa ở Trung Quốc vào năm 1966. Lần đầu tiên gặp Bác khi Bác tiễn đoàn học viên lên đường, ông Bít khi đó tuy tuổi trẻ nhất đoàn nhưng sau khi nghe Bác dặn dò đã mạnh dạn hứa: “Bác đã giao nhiệm vụ, chúng cháu sẽ làm tròn”.


* Xúc động những lần gặp Bác


Ngồi trầm ngâm bên chiếc bàn nhỏ trong ngôi nhà ở làng Đỗ Xá, xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, Hải Dương, những ngón tay nhăn nheo của ông run run lần giở cuốn sách Hải Dương với Bác Hồ, Bác Hồ với Hải Dương.


Cuốn sách là tư liệu quý, bởi trong đó có bức thư Bác Hồ khen Hợp tác xã Đại Xuân, nơi ông Bít từng có 13 năm làm chủ nhiệm. Ông cũng là người có công lớn trong việc mang lại những thành quả lớn lao của Hợp tác xã những năm đó, là người đã áp dụng thành công nhiều kiến thức trồng lúa sau khi được đích thân Bác chọn, cử đi học ở Trung Quốc.


Năm nay tuổi đã ngoài 80 tuổi và kể từ lần đầu gặp Bác đến nay đã non nửa thế kỷ nhưng những khoảnh khắc vinh dự ấy chưa bao giờ phai mờ trong ký ức của ông.


Năm 1966, sau sự kiện Bác về thăm và làm việc tại xã Hồng Thái, huyện Ninh Giang, giáp Tết có thư Bác gửi Tỉnh ủy Hải Dương quyết định cử 6 người đi học, ông Bít là một trong số đó. Ông Bít khi đó 33 tuổi, là Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Xuân (xã Ứng Hòe). “Đang là một anh chủ nhiệm ở miền Bắc, có được vinh dự này tôi cảm động không nói nên lời”, giọng ông Bít run run khi nhắc lại kỷ niệm.


Trước ngày lên đường, ngày 12/2/1966, đoàn gồm 28 học viên trong đó có ông Bít được đến gặp Bác. Ông kể: “Cuộc gặp diễn ra nhanh chóng, ai nấy đều xúc động khi Bác hỏi chuyện. Bác nói: Các cháu đi sang nước bạn học nhưng không phải ngồi trường ngồi lớp mà là ăn với người dân, ở với người dân, học ở người dân. Các cháu có gì thắc mắc không?”.


Mặc dù là người trẻ nhất trong số được cử đi, tôi đứng lên thưa: “Thưa Bác, chúng cháu rất vinh dự được Bác cử đi học. Chúng cháu rất cảm động và cũng xin hứa bác đã giao nhiệm vụ, chúng cháu sẽ làm tròn”.


Sau 1 năm đi học về, đoàn lại được Bác gọi lên hỏi han kết quả học tập và động viên. Bác dặn: “Sau 1 năm các cháu làm được những kết quả gì lại báo cáo Bác”.


Trở về xã nhà, cùng Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Xuân, ông Bít dốc hết tâm sức để mang những điều học được vào thực tiễn sản xuất ngay trên đồng đất xã Ứng Hòe. Chính từ sự nỗ lực và thành công này mang đến cho ông Bít niềm vinh dự được gặp Bác lần thứ ba.


Ông cho biết: “Tôi đã ứng dụng giống lúa Trân Châu lùn vào sản xuất vụ Xuân. Trước đó, Hải Dương cũng như nhiều tỉnh miền Bắc chỉ cấy hai vụ chiêm và mùa. Vụ Xuân ngắn ngày chỉ được cấy phổ biến kể từ năm 1968. Nhờ vậy, năng suất lúa của xã từ chỗ chỉ 6-7 kg/sào, sang trồng lúa mới Trân Châu lùn, trồng vụ Xuân, năng suất đã tăng lên gấp 3 lần”.


Tháng 12/1967, ông cùng đồng chí cán bộ của Tỉnh ủy Hải Dương đến gặp Bác để báo cáo tình hình Hợp tác xã Đại Xuân. Cầm trên tay bản báo cáo dài 4 trang, Bác từ tốn nói: “Bác rất hoan nghênh kết quả của Hợp tác xã. Báo cáo này Bác sẽ nghiên cứu sau. Giờ Bác chỉ hỏi mấy câu thôi. Bây giờ chú đi làm sau 1 năm, nước ta có cấy được cây lúa xuân không?”.


Tôi trả lời: “Thưa bác, chúng cháu cam đoan là cấy được tốt”.


 “Cơ sở nào chú bảo cấy được tốt? Cần có những điều kiện nào?”...


Cứ thế, ông Bít lần lượt trả lời các câu hỏi của Bác. Nghe xong, Bác rất hài lòng và Bác dặn: “Hải Dương cùng với Hợp tác xã Đại Xuân bảo vệ thành quả này cho tốt”.


Sau đó, các tỉnh miền Bắc về Đại Xuân nô nức xem và học hỏi. “Cũng bắt đầu từ năm 1968, chúng tôi cấy 100% diện tích lúa xuân. Cả cánh đồng cấy lúa Trân Châu lùn, nom sướng lắm”, ông Bít nhớ lại.


Tháng 2/1968, Hợp tác xã Đại Xuân đã được Bác gửi thư khen. Trong thư, Người viết: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các xã viên và cán bộ Đại Xuân đã ra sức thi đua phát triển sản xuất”.


Bác cũng căn dặn: “Xã viên và cán bộ không nên chủ quan, thỏa mãn mà cần phải cố gắng hơn nữa, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, đoàn kết chặt chẽ, thực hành dân chủ tài chính công khai, nêu gương tiết kiệm, vượt mọi khó khăn để đạt nhiều thành tích hơn nữa về các mặt”.


*Khắc ghi lời dặn của Người



Hiện trong phòng khách nhà ông Bít vẫn còn lưu giữ cẩn thận bức hình chụp 28 học viên của miền Bắc được sang Trung Quốc học trồng lúa năm 1966 trong đó có ông. Bức ảnh được đặt vị trí trang trọng nhất cùng các bằng khen, huân huy chương khác.


Trong không khí cả nước kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vui mừng với sự đổi thay của nông nghiệp tỉnh nhà, ông Bít lại càng biết ơn đến sự quan tâm của Bác dành cho những người làm công tác nông nghiệp nói chung, trong đó có bản thân ông. Với ông Bít, lời dặn của Bác thật giản dị mà sâu sắc. Ông khẽ nói: “Lời dặn của Bác luôn văng vẳng trong tôi”.


Không chỉ những năm tháng còn làm Chủ nhiệm Hợp tác xã mà cả về sau này, ông Bít luôn khắc ghi những lời Bác căn dặn, gắn với công việc của mình, trong sinh hoạt đời thường và không quên nhắc nhở con cháu.


Tuy đã qua rất nhiều năm nghỉ hưu nhưng ông Bít vẫn là một nông dân say mê với đồng ruộng và tâm huyết với sản xuất nông nghiệp địa phương. Đã hơn 80 tuổi, ông vẫn thường xuyên ra thăm đồng, nhìn cây lúa đoán bệnh.


Với những lớp chủ nhiệm hợp tác xã sau mình, ông Bít vẫn là một “cây đại thụ” với nhiều tri thức hữu ích. Ông Nguyễn Đình Thực, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Xuân cho biết: “Nhiều lúc anh em chúng tôi cũng vẫn vào tận nhà để hỏi kinh nghiệm của cụ. Cụ nhiệt tình chỉ bảo. Còn có những tài liệu quý, cụ lấy ra cho chúng tôi phô tô để cất riêng”.


Đi thăm cánh đồng lúa mùa đang lên đòng những ngày tháng Tám, ông Bít luôn miệng nói cười, phấn khởi. Nhìn lại những quãng thời gian mình còn làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, ông không thôi tấm tắc. Nông nghiệp nước nhà gần nửa thế kỷ qua đã có sự đổi mới đến không ngờ. Năng suất lúa đã đạt tới 60 tạ/ha. Giống lúa ngày càng ưu việt, phong phú với nhiều giống mới, mỗi khi đến mùa gặt, đều phấn khởi. Ngay Hợp tác xã Đại Xuân cũng luôn phấn đấu đạt 60-62 tạ/ha vụ chiêm, vụ mùa 55 tạ/ha.


Không chỉ riêng người cựu chủ nhiệm hợp tác xã mà tập thể hợp tác xã Đại Xuân hôm nay vẫn đang thực hiện những lời căn dặn của Bác lúc sinh thời đối với địa phương trong sản xuất nông nghiệp, kế thừa và cố gắng phát huy những thành quả mà Hợp tác xã Đại Xuân năm xưa giành được.


Ông Thực hồ hởi chia sẻ: “Qua nhiều khóa chủ nhiệm, hợp tác xã Đại Xuân luôn thực hiện lời Bác dặn, góp phần đưa xã được công nhận là đơn vị anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Cá nhân những chủ nhiệm Hợp tác xã như chúng tôi lớp sau luôn phấn đấu học hỏi kinh nghiệm, kế tục sự nghiệp của những người lớp trước, đặc biệt như cụ Bít”.


Mạnh Minh




45 năm trước Bác Hồ  viết xong Di chúc
45 năm trước Bác Hồ viết xong Di chúc

Năm 1965, vào tuổi 75, Bác yếu đi nhiều. Có lẽ do cảm nhận rõ việc sẽ ra đi khó tránh của mình, nên từ tháng Năm, Bác đã bắt đầu việc viết Di chúc - một công việc mà Bác gọi là “Tuyệt đối bí mật” được tiến hành rất kín đáo trong nhiều năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN