Tiếp tục phiên họp thứ 6, sáng 10/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch. Dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận cả ở tổ và hội trường tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 11/2016.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật trình UBTVQH lần này được bố cục lại gồm 6 chương và 69 điều, bổ sung một số điểm, khoản quy định về quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch. Việc rà soát, bổ sung nội dung báo cáo các loại quy hoạch; rà soát, bổ sung trình tự thẩm định quy hoạch; bổ sung thủ tục thẩm tra quy hoạch trong phê duyệt quy hoạch; rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến điều chỉnh quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch… cũng được chỉnh lý, bổ sung vào dự thảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp thứ 6. |
Tại phiên thảo luận, đại diện các bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng bày tỏ băn khoăn về việc một số loại quy hoạch bị bỏ hoặc thay đổi tên trong dự thảo luật.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đề nghị làm rõ điều khoản nói về danh mục 32 luật khác có liên quan sẽ bị xoá bỏ, điều chỉnh, ảnh hưởng… khi luật này có hiệu lực. “Luật này ra đời ngay lập tức ảnh hưởng đến 13.000 quy hoạch xây dựng đã có, thậm chí là những quy hoạch đã định hướng tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, những đồ án đã được duyệt, đang làm tốt, không có vấn đề gì mà lại phải tạo lập lại, sẽ tốn bao nhiêu kinh phí?”, ông Toàn đặt câu hỏi.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa bày tỏ băn khoăn về nội dung “quy hoạch không gian biển quốc gia". Bà Hoa cũng cho rằng quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền, không nên thay đổi xáo trộn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị đại diện cơ quan soạn thảo nói thêm về danh mục 32 luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy hoạch đã xây dựng. Số lượng luật bị ảnh hưởng như thế, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định là “rất đồ sộ trong khi việc liệt kê, chủ trương còn ngổn ngang, nhìn vào chưa thấy yên tâm”.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ “vì cái chung”, chấp nhận những “động chạm” nhất định. “Nếu ở các nước làm luật là do một cơ quan riêng biệt độc lập, không bị chi phối bởi ai thì ở ta luật do các cơ quan làm, các cơ quan chỉ chủ yếu xem có ảnh hưởng gì đến cơ quan của mình hay không, ảnh hưởng lợi ích của mình hay không chứ ít theo hướng thay đổi để tốt cho xã hội hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn chia sẻ và dẫn chứng trong Luật quy hoạch một số Bộ muốn giữ lại một số quy hoạch dẫn đến không thống nhất.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cần phải có một quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia. Để tạo sự đồng thuận trong quy hoạch, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát tránh sự chồng chéo, xung đột. "Quy hoạch cần phải mang tính dài hơi, có thể 30 - 50 năm", Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, UBTVQH nhất trí quan điểm Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, hệ thống quy hoạch thì cần xác định nguyên tắc, cấp ngành và địa phương tôn trọng quy hoạch tổng thể quốc gia, tránh trình trạng quy hoạch chồng chéo, lãng phí. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp sắp tới.