Đó là ý kiến của nhiều đại biểu trong Hội thảo góp ý Dự án Luật Dữ liệu do Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều 9/10.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, trong bối cảnh công nghệ thông tin, công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, việc ban hành Luật Dữ liệu là rất cần thiết, vừa để thế chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghệ số, chuyển đổi số hay Chiến lược dữ liệu quốc gia; đồng thời đáp ứng yêu cầu thống nhất nguyên tắc chung về dữ liệu, cơ sở dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia trên thực tiễn đời sống xã hội.
Tuy nhiên, theo một số đại biểu, các định nghĩa, giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật còn chưa chính xác, chưa đầy đủ, rất cần được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện. Ông Phạm Văn Hậu, Trung tâm an ninh mạng của Đại học Công nghệ Thông tin đề nghị Ban soạn thảo tham khảo, lấy ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dữ liệu số và tham chiếu các luật liên quan như Luật An toàn thông tin mạng, để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, nhất là về định nghĩa “dữ liệu”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thắng, đại diện Công ty SCTV cùng cho rằng, “dữ liệu” là khái niệm rất quan trọng của Luật Dữ liệu và trên thực tế dữ liệu có nội dung rất rộng, trong khi đó định nghĩa về “dữ liệu” trong dự thảo Luật còn sơ sài, thiếu rất nhiều trong nội hàm. Ví dụ như “dữ liệu video” chưa được quan tâm đúng mức trong nội dung luật, trong khi thực tế cho thấy nội dung video được truyền tải trên mạng xã hội như Tiktok… có tác động rất lớn đến đời sống xã hội và được chính quyền các nước như Hoa Kỳ kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, đại diện SCTV đề nghị, Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng luật nên tham chiếu Luật An toàn thông tin mạng, các Luật Dữ liệu của các nước.
Một số đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến quy định chuyển dữ liệu ra nước ngoài; quy định cụ thể hơn về quyền, mức độ truy cập của từng cơ quan, đối tượng đối với dữ liệu dùng chung, dữ liệu quốc gia; quy định trách nhiệm, thời hạn cập nhật đối với hệ thống dữ liệu cấp tỉnh, quốc gia; bổ sung quy định khung kiến trúc quy chuẩn dữ liệu địa phương cấp tỉnh…
Làm rõ các khái niệm, định nghĩa về công nghệ mới
Chiều 9/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Dữ liệu để trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu đánh giá Luật Công nghiệp công nghệ số phù hợp với các thành phố lớn, có điều kiện phát triển công nghệ số, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI, các khu công nghệ cao… Song bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất từ ngữ, bổ sung, làm rõ các khái niệm, định nghĩa về công nghệ mới.
Đối với dự án Luật Dữ liệu, ông Bùi Nguyên Khởi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đề nghị bổ sung Điều quy định về giá trị của dữ liệu trong đời sống thực (tối thiểu đối với các cơ sở dữ liệu quốc gia). Trong đó, phải quy định cụ thể các cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu khi xây dựng cơ sở dữ liệu phải xây dựng phương án, lộ trình thời gian khi nào thì dữ liệu có thể thay thế giấy tờ giấy. Qua đó, phát huy hiệu quả của các cơ sở dữ liệu khi xây dựng, đưa dữ liệu trên môi trường số đi vào đời sống, giúp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, thuận tiện và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng đề nghị xem xét, bổ sung quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu phải đảm bảo tính đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương; bổ sung quy định xử lý các tài liệu hết thời hạn lưu trữ; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc đồng bộ, lưu trữ dữ liệu.