Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 05/NQLT-CP-UBTWMTTQVN về ban hành quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư, đã diễn ra ngày 29/3, tại Hà Nội.
Dự và chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc và 5 năm thí điểm thực hiện Nghị quyết liên tịch 05. Qua đó nhấn mạnh, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đi vào cuộc sống một cách hiện hữu, toàn diện trên nhiều lĩnh vực; việc tham gia xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân đều có sự phản biện của MTTQ.
Nhiều mảng, nhiều việc đã đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về dân chủ và dân sinh, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, dân chủ xã hội được mở rộng. Đội ngũ cán bộ của MTTQ ngày càng bản lĩnh, trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm, nhiều người có trình độ chuyên môn tốt, nhất là kinh nghiệm vận động quần chúng, bảo vệ quyền lợi chân chính của nhân dân. MTTQ đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân, những mặt trận nóng bỏng đều có sự tham gia của MTTQ Việt Nam; có MTTQ giám sát, cán bộ đảng viên đã giữ gìn hơn, giảm tiêu cực, tham nhũng, cửa quyền đối với nhân dân. Việc thực hiện thí điểm Nghị quyết liên tịch số 05 đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần hình thành tư tưởng cán bộ lo cho dân, vì dân…
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế trong công tác phối hợp giữa chính quyền và mặt trận các cấp. Một số nơi cấp ủy chính quyền chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ chức năng của MTTQ, công tác chỉ đạo chưa phù hợp, có nơi, có lúc còn gây khó khăn cho hoạt động của MTTQ, vai trò của các tổ chức thành viên MTTQ chưa được phát huy đúng mức.
Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận các cấp coi việc thực hiện Luật MTTQ Việt Nam là nhiệm vụ của mình; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng bộ máy Mặt trận để đáp ứng yêu cầu của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới. Các cấp Mặt trận cần chỉ đạo thực hiện Luật MTTQ Việt Nam, quy chế phối hợp với UBND, HĐND để tạo sự đồng thuận tốt hơn.
Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp phối hợp chặt với MTTQ Việt Nam chuẩn bị tốt dự án Luật MTTQ Việt Nam sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về đại đoàn kết dân tộc, luật hóa các hoạt động của MTTQ, đặc biệt là mối quan hệ giữa MTTQ với các cơ quan tổ chức đã thực hiện tốt trong nhiều năm qua. Các nội dung sửa đổi cần phù hợp với Hiến pháp 1992, trong đó luật hóa chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận. Bộ Nội vụ và MTTQ Việt Nam sớm có văn bản chính thức về thực hiện quy chế MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cần thực hiện tốt hơn quy chế phối hợp với MTTQ và MTTQ cũng cần chủ động phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cùng cấp và các tổ chức thành viên; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, đảng viên thực hiện quy định về giám sát, đồng thời nghiên cứu việc thực hiện quy định về giám sát lồng ghép với thực hiện Quy định 76 của Đảng về sinh hoạt hai chiều của đảng viên ở khu dân cư. MTTQ cần hoàn thiện cơ chế giám sát, có cơ chế bảo vệ người giám sát...
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm: Nhờ có luật, MTTQ được tiếp tục tăng cường, mở rộng và phát huy, hình thành được hệ thống tổ chức liên minh chính trị từ Trung ương tới địa bàn khu dân cư. MTTQ đã giương cao ngọn cờ trung tâm đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc. Vai trò là cơ sở chính trị của nhân dân được phát huy ngày càng cụ thể hơn, đem lại hiệu quả thiết thực hơn, thể hiện vai trò của Mặt trận trong góp phần hoàn thiện bổ sung ban hành đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Việc lắng nghe tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội được nâng lên.
Chu Thanh Vân