Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Phải bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia

Chiều nay (22/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhiều đại biểu cho rằng cần phải bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), việc thu hút đầu tư phải đảm bảo tạo được nội lực và bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, vào thời điểm này, Việt Nam cần xác định rõ sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá nên phải xác định nguyên tắc chi phối toàn bộ quá trình thành lập và điều hành các đặc khu kinh tế là các nhà đầu tư vào đây phải tạo được nội lực cho Việt Nam. Đặc biệt, phải bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và bản sắc văn hóa Việt Nam, nhà đầu tư nào đáp ứng được thì vào đầu tư, nếu nhà đầu tư cam kết nhưng không đáp ứng được thì căn cứ vào luật có ý kiến và thu hồi dự án.

Về vấn đề cấp đất, theo dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB) cho phép cấp đất 99 năm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần xem xét kỹ quy định này vì theo luật hiện hành chỉ cấp đất tối đa 70 năm. Hơn nữa, khái niệm quy định người được cấp là nhà đầu tư chiến lược còn chưa rõ ràng.

“Ví dụ, một nhà đầu tư Casino 44.000 tỷ đồng thì được cấp đất 99 năm. Với trường hợp này, thử hỏi 50 năm nữa quy định về cam kết bằng tiền có còn giá trị hay không, đánh bạc có theo kiểu casino nữa không? Nếu 30 năm nữa casino thất bại, chúng ta có thu hồi đất không? Tôi đề nghị bỏ quy định cấp đất 99 năm và áp dụng như hiện nay là 70 năm”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị.

Cùng đó, đại biểu Nghĩa kiến nghị, cần quy định rõ những ngành không cho nước ngoài đầu tư hoặc không cho chuyển nhượng cho nước ngoài. Đồng thời, cần có quy định dự án thất bại phải trả lại đất, dự án giải thể đóng cửa, thay thế ngành nghề khác phải lập lại dự án đầu tư.

Đại biểu cũng cho rằng, nên quy định có những quyền giao cho Thủ tướng và lãnh đạo địa phương nhưng cũng có những quyền phải giao cho Chính phủ để bộ, ngành trung ương có ý kiến để không mất đi sự giám sát về chủ quyền quốc gia. Có những nội dung quan trọng về đặc khu thì cả Chính phủ phải chịu trách nhiệm.

Băn khoăn đưa 3 đặc khu vào Luật


Một trong những nội dung mà nhiều đại biểu phát biểu ý kiến và tranh luận có có nên đưa 3 ĐVHCKTĐB là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc vào Luật ĐVHCKTĐB hay không?


Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, hiện nay các điều khoản cho thấy đã đủ chín muồi để ra luật chung về các ĐVHCKTĐB. Do đó, đại biểu đề nghị thiết kế đưa hết các quy định về các vấn đề liên quan đến các ĐVHCKTĐB vào luật chung còn với 3 đặc khu cụ thể thì đưa vào các Nghị quyết vì 3 đặc khu này khi ra đời cũng có các yếu tố không giống nhau. Đồng thời khi có thay đổi có thể điều chỉnh, thêm, bớt trong Nghị quyết của Quốc hội chứ không phải sửa luật.

Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), mặc dù có một số ý kiến cho rằng nên làm luật chung cho cái tất cả các ĐVHCKTĐB nhưng theo đại biểu, nên có luật riêng cho 3 ĐVHCKTĐB thì tốt hơn vì chúng ta chưa có kinh nghiệm thực tiễn, khi chúng ta đã có kinh nghiệm thì đưa vào luật chung.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) ủng hộ ý kiến Chính phủ trình dự án luật trong đó đề cập luôn đến 3 ĐVHCKTĐB, bởi luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không hề cấm quy định này. Đại biểu dẫn ra kinh nghiệm làm luật một số nước trên thế giới, ngoài những bộ luật đồ sộ 400 – 500 điều thì cũng có thể làm những bộ luật điều chỉnh phạm vi hẹp của một vấn đề. Đồng thời, nếu chúng ta ban hành Luật mà tích hợp cả 3 ĐVHCKTĐB trong đó thì đảm bảo quy trình làm luật chặt chẽ, có giá trị pháp lý cao hơn so với Nghị quyết cá biệt.

Trung Hiếu/Báo Tin tức
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Có tình trạng lạm dụng dấu mật để không công khai thông tin
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Có tình trạng lạm dụng dấu mật để không công khai thông tin

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay có tình trạng các bộ ngành đóng dấu mật vào tài liệu không mật để tránh việc phải công khai thông tin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN