Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Có tình trạng lạm dụng dấu mật để không công khai thông tin

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay có tình trạng các bộ ngành đóng dấu mật vào tài liệu không mật để tránh việc phải công khai thông tin.

Đại biểu Lê Thị Nga. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Lê Thị Nga nêu thực trạng, hiện nay có tình trạng đóng dấu mật vào tài liệu không mật. Có những bộ, ngành đóng dấu mật vào cả văn bản trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội mặc dù không có thông tin mật. Điều này làm cho đại biểu Quốc hội không thể trả lời cử tri về thông tin mình chất vấn.

Bà Lê Thị Nga cho rằng, việc chậm công khai, công khai hình thức và lạm dụng bảo mật để không công khai thông tin đã ảnh hưởng đến cơ quan tổ chức nhà nước, công dân, ảnh hưởng đến phòng, chống tham nhũng và đẩy một số người dân và hoạt động nghề nghiệp vào tình trạng dễ bị quy chụp.

"Chúng tôi cũng theo dõi một số vụ án thì có một số cá nhân bị rơi vào vòng lao lý do quy định không rõ ràng về tài liệu mật. Một số phóng viên báo chí, thậm chí thực tế một số cán bộ, công chức nhà nước đã bị quy làm lộ tài liệu mật", bà Nga cho biết.

Theo bà Nga, hiện nay các khái niệm, phân loại, danh mục bí mật Nhà nước và điều cấm chưa có khái niệm rõ ràng, minh bạch, ngay cả khái niệm thế nào là gây nguy hại đến quốc gia, dân tộc cũng rất rộng và gây nguy hại là khái niệm chưa có tiêu chí phân định rõ.

Theo đại biểu Nga, cụ thể, Điều 8 phân biệt độ mật căn cứ theo lĩnh vực và mức độ nguy hại. Về lĩnh vực thì Tuyệt mật có 5 lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, cơ yếu... với mức độ nguy hại đặc biệt nghiêm trọng; Tối mật thì quy định ở 16 lĩnh vực như chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội... mức độ nguy hại là rất nghiêm trọng; còn lĩnh vực Mật thì cộng của cả 2 lĩnh vực Tuyệt mật và Tối mật, mức độ là nghiêm trọng. "Cần quy định rõ ràng vì các khái niệm dễ bị tùy tiện khi áp dụng và phạm vi áp dụng quá rộng, ngay trong từng lĩnh vực thì cũng không thể biết được cái gì mật và cái gì là không mật, nguy hại hay không nguy hại", bà Nga lưu ý.

Thực tế trong các phiên thảo luận về cải cách tư pháp vừa qua, ngay các đại biểu Quốc hội cũng lúng túng vì nhận được 5 văn bản từ các cơ quan gồm: Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tư pháp và Văn phòng quốc hội đều đóng dấu mật, do đó, theo đại biểu Lê Thị Nga, cần có quy định cụ thể  cho đại biểu Quốc hội có điều kiện thuận lợi khi thảo luận các báo cáo, tiếp xúc cử tri và khi trả lời phỏng vấn báo chí. 

"Ngay cả Ủy ban Tư pháp cũng rất lo lắng vì các cơ quan đóng dấu mật, nếu Ủy ban không đóng dấu mật thì rất khó, chúng tôi tra trong các luật thì đa số là không mật nữa, nhưng danh mục mật của các đồng chí ở lĩnh vực tư pháp rất chậm sửa đổi nên đại biểu còn lúng túng", đại biểu Nga cho hay.

Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị, các cơ quan soạn thảo văn bản cần rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất của quy định của luật này với các quy định của luật có liên quan về công khai minh bạch quyền tiếp cận thông tin, về phòng chống tham nhũng và công khai trong hoạt động tố tụng. Cùng đó, cần rà soát tạo điều kiện cho đại biểu và người dân đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật.

Trang Thu/Báo Tin tức
Đồng ý chủ trương đầu tư 118.700 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông
Đồng ý chủ trương đầu tư 118.700 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Với 408/449 (đạt 83,1%) đại biểu tham gia biểu quyết, sáng nay 22/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN