Chủ trì Hội nghị, tại điểm cầu Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 19/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Luật được ban hành có ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng đặc biệt trong thực thi pháp luật trên biển, thể hiện sự tập trung ý chí của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của Nhân dân, là tuyên bố mạnh mẽ về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ hòa bình, phù hợp với pháp luật quốc tế.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước bằng pháp luật trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc và hoạt động thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển của lực lượng chuyên trách. Đồng thời, Luật góp phần tạo sự đồng thuận cao, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức xã hội của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và tổ chức cá nhân về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; là cơ sở quan trọng để xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo Trung tướng Nguyễn Tân Cương, ngay sau khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam được thông qua, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương tham mưu cho Thủ tướng phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật và tích cực triển khai thực hiện kế hoạch. Bộ Quốc phòng đã soạn thảo, trình Chính phủ ban hành 2 nghị định; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành 3 thông tư và 2 quyết định, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật.
Tại Hội nghị, bên cạnh giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam và một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 61/2019/NĐ-CP ngày 10/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Quốc phòng cũng tập trung giới thiệu về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.
Theo Bộ Quốc phòng, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương lớn về định hướng chiến lược biển; xác định mục tiêu quản lý, bảo vệ biển, đảo Việt Nam là: Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trên biển; giữ vững ổn định chính trị trong nước, giữ vững môi trường hòa bình ổn định lâu dài là lợi ích cao nhất để xây dựng và phát triển đất nước.
"Khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản và lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực" - đại diện Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Ngoài ra, các bên cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC, năm 2002); nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông (2012); Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (2012). Đồng thời, sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Nguyên tắc quản lý, bảo vệ biển, đảo được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế...