Có thiết bị báo cháy... nhưng tê liệt
Vụ cháy chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh) vào rạng sáng ngày 23/3 đã bộc lộ nhiều sai phạm trong quản lý, vận hành hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC). Theo đa số người dân đã thoát được ra ngoài từ vụ cháy này, khi xảy ra cháy, các thiết bị PCCC đã bị tê liệt, như chuông báo cháy của tòa nhà không kêu, cửa thoát hiểm bị chèn đá... Người dân trong chung cư khi phát hiện ra cháy đã phải gõ cửa từng nhà để thông báo cho nhau biết và tìm cách thoát nạn.
Vụ cháy chung cư Carina bộc lộ nhiều sơ hở trong công tác PCCC tại các chung cư cao tầng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh |
Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh, khi chữa cháy, lực lượng cứu hộ phát hiện cửa ngăn cách giữa tầng hầm và tầng trên (cửa dày đóng tự động để ngăn cháy nếu có) không đóng mà có cục đá chèn vào để luôn mở. Cửa thoát hiểm ở nhiều tầng trên cũng có tình trạng này. Chính việc này đã khiến khói từ vụ cháy tầng hầm bay lên trên khiến 12 nạn nhân bị ngạt khói, dẫn đến tử vong.
“Trong vụ cháy chung cư Carina, đơn vị nhận tin báo cháy lúc 1 giờ 27 phút rạng sáng 23/3 và lực lượng chữa cháy có mặt lúc 1 giờ 34 phút cùng ngày. Ngay khi tiếp cận hiện trường, nhận định đám cháy có diễn biến phức tạp, cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đã huy động 8 đơn vị, 24 xe chuyên dụng cùng hơn 200 cán bộ chiến sĩ có mặt tại hiện trường triển khai dập lửa, cứu người. Trong hệ thống chung cư này có 736 căn hộ với hơn 1.000 người sinh sống. Phần lớn trong số 13 người chết là do ngạt khói và chấn thương do nhảy lầu thoát thân”, ông Hưởng cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho biết vụ cháy nghiêm trọng vừa xảy tại chung cư Carina Plaza rạng sáng 23/3 là một sự việc rất đáng tiếc và đáng buồn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân. Tuy nguyên nhân của vụ cháy đang được các cơ quan chức năng làm rõ, nhưng theo thông tin ban đầu khi vụ cháy xảy ra, hệ thống chuông báo cháy không hoạt động là điều hết sức tai hại. Điều này thể hiện chất lượng của hệ thống phòng cháy, chữa cháy quá kém, không được bảo trì, duy tu đầy đủ dẫn đến khi đám cháy xuất phát ở tầng hầm nhưng không có báo động, đến khi gây khói ngạt lên phía trên cư dân mới biết dẫn đến cảnh hoảng loạn.
“Sự việc này cũng cho thấy việc diễn tập phòng cháy chữa cháy cho cư dân sống trong chung cư cũng không được quan tâm. Hiện nay, việc sống trong các chung cư cao tầng là xu thế tất yếu, tuy nhiên đối với các chung cư phải có tầng thoát nạn, hoặc có lối thoát hiểm liên thông qua các khối nhà để cư dân có đường thoát hiểm khi xảy ra sự cố", ông Châu cho biết thêm.
Kiên quyết xử lý sai phạm
Có thể nói, vụ cháy chưng cư Carina Plaza lần này như một hồi chuông cảnh báo các nhà quản lý cần phải siết chặt việc an toàn PCCC hơn nữa tại các chung cư cao tầng trên địa bàn.
Người dân cần được diễn tập, nâng cao kiến thức PCCC tại nơi mình sinh sống để cảnh giác với "giặc lửa". Ảnh: Mạnh Linh |
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguy cơ xảy ra cháy tại các chung cư tại TP Hồ Chí Minh hiện nay khá cao, đặc biệt là ở các chung cư cũ được xây dựng trước những năm 1975 và điều kiện phòng cháy, chữa cháy rất kém, công với sự vô ý thức, lơ là PCCC của người dân.
Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2016, TP Hồ Chí Minh có trên 1.000 chung cư, trong đó có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975 không áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trong 3 năm, từ 2012 - 2015, toàn thành phố xảy ra 34 vụ cháy chung cư, nhà cao tầng làm 1 người chết, 5 người bị thương. Đa số các vụ cháy nhà chung cư này đều do sự cố về điện.
Đại diện Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, qua những lần kiểm tra, kiểm định hệ thống PCCC của nhiều công trình cao tầng vẫn không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC, như: giao thông, nguồn nước phục vụ cho xe chữa cháy, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn... Nhiều chung cư không trang bị đầy đủ các trang thiết bị PCCC, hoặc có trang bị nhưng sơ sài, không được duy tu, bảo trì thường xuyên dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, mất tác dụng. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan gây mất an toàn PCCC còn do ý thức người dân kém khi cố tình xây dựng cơi nới, lấn chiếm hành lang, lối đi, cầu thang thoát nạn…
Trong khi đó, một số chung cư xây dựng sau này, dù phải thực hiện theo Luật Phòng cháy chữa cháy nhưng qua kiểm tra thực tế vẫn phổ biến tình trạng không đảm bảo, như giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, cấp nước chữa cháy, hệ thống kỹ thuật phòng cháy chữa cháy... theo bộ tiêu chuẩn quốc gia về an toàn cháy. Nhiều chung cư chưa kiểm tra, kiểm nghiệm hệ thống PCCC đã đưa người dân vào sinh sống, điều này đang gây mất an toàn nghiêm trọng trong công tác PCCC tại các chung cư cao tầng trên địa bàn.
Để tránh các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, sắp tới, Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh sẽ cùng các cơ quan quản lý tổng rà soát công tác đảm bảo an toàn, trang bị các thiết bị PCCC tại các chung cư cao tầng trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị sẽ thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm tra, nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, đặc biệt là các chung cư cũ, chung cư cao tầng có đông người dân sinh sống. Xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng phát luật. Kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo ông Lê Hoàng Châu, để nâng cao ý thức người dân trong công tác PCCC, cần tăng cường hướng dẫn diễn tập PCCC thường xuyên tại khu dân cư, địa phương. Các cơ quan chức năng, nhà quản lý cần thường xuyên kiểm tra các cơ sở; hệ thống phòng cháy, chữa cháy cũng phải bảo dưỡng, duy tu thường xuyên nhằm đảm bảo luôn hoạt động tốt, đảm bảo báo động kịp thời khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, người dân cần tự trang bị kiến thức kĩ năng thoát hiểm cơ bản cho mình và cho người thân khi xảy ra hỏa hoạn.