Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, đánh giá cao nghĩa tình của nhân dân miền Bắc, trong đó có tỉnh Thanh Hóa dành cho đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, khẳng định chân lý "Bắc - Nam một nhà", "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".
Lễ kỷ niệm là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, phát huy cao độ tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc. Qua đó tạo quyết tâm chính trị cao để nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng. Đây cùng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng mang tính bước ngoặt và là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển của đất nước; mở ra kỷ nguyên hoà bình của dân tộc.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong chiến tranh chúng ta đã nhường cơm xẻ áo, trong hòa bình chúng ta phải chung sức đồng lòng phát huy tối đa sức mạnh của mỗi địa phương, tương trợ lẫn nhau vì một Việt Nam hòa bình độc lập, dân chủ, giàu mạnh. Các địa phương, trong đó có Thanh Hóa tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, thân nhân cán bộ chiến sĩ Việt Nam tập kết ra miền Bắc; nhất là những gia đình có công lao nuôi dưỡng đồng bào chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Qua đó lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, lòng tự hào về truyền thống văn hóa tốt đẹp và sức mạnh của dân tộc; phát huy những bài học kinh nghiệm của sự kiện này trong thực hiện chiến lược xây dựng, rèn luyện thế hệ cách mạng cho đời sau; phát triển nguồn nhân lực giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm, phát huy hiệu quả giá trị của Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc đến đông đảo nhân dân. Bởi đây là nơi lưu giữ ký ức một thời kỳ hào hùng của quân và dân ta; niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn được Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ là điểm tiếp nhận đầu tiên đón đồng bào, cán bộ, chiến sẽ và con em miền Nam tập kết ra Bắc.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học, chuyên gia và nhân dân cả nước tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu vào Khu lưu niệm để nơi đây thực sự trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, điểm đến hấp dẫn của du khách…
Ngày 25/9/1954 đã trở thành thời điểm lịch sử không thể nào quên, nhất là khi con tàu đầu tiên rẽ sóng tiến vào cửa Lạch Hới - Sầm Sơn giữa tiếng reo mừng của hàng ngàn người dân Thanh Hóa, hân hoan chào đón những người con của miền Nam ruột thịt. Chỉ trong 9 tháng (từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955), Thanh Hóa đã đón tiếp 47.346 cán bộ, bộ đội, 1.869 thương bệnh binh, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết.
Thanh Hóa là địa phương đón số lượng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhiều nhất cả nước; đã thành lập hàng chục trạm đón tiếp, xây dựng nhiều bệnh viện, trạm xá tại Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa để khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào ngay từ những ngày đầu đặt chân trên đất Bắc.
Trên khắp xứ Thanh, phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam diễn ra sôi nổi. Người dân chuẩn bị nhiều tấn lương thực, thực phẩm; cung cấp hàng chục ngàn bộ quần áo, chăn màn và các điều kiện cần thiết khác. Các huyện miền núi ngày đêm vận chuyển hàng vạn cây luồng, nứa, gỗ,… để xây dựng nhà cửa, lán trại, giúp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhanh chóng ổn định cuộc sống.
70 năm qua, đặc biệt sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thanh Hóa đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, đạt được thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế liên tục tăng trưởng, giai đoạn 2021 - 2023 tăng 9,69%; 9 tháng của năm 2024 tăng 12,46%.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Nguyễn Doãn Anh, đã ôn lại những kỷ niệm xúc động, nghĩa tình trên đất Bắc cách đây 70 năm, khi Thanh Hóa vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết.
Mặc dù tỉnh còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn do chiến tranh, thiên tai tàn phá nặng nề nhưng với tinh thần "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tập trung khôi phục cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất, khẩn trương chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và điều kiện cần thiết để đón đồng bào miền Nam.
Nhân dịp này, tỉnh Thanh Hóa đã khánh thành công trình Khu lưu niệm đồng bào cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn. Khu lưu niệm được chia làm 3 phân khu, trong đó khu A là khu trung tâm rộng khoảng 13.600m2 với điểm nhấn là tượng đài hình con tàu tập kết ra Bắc được làm bằng bê tông cốt thép và bức phù điêu lớn hình cánh cung. Bên trong là nhà trưng bày hiện vật, nơi đón tiếp, chiếu phim tư liệu, công trình phụ trợ cùng 3 lán trại mô phỏng nơi ăn ở sinh hoạt và con đường ký ức. Công trình do UBND Thành phố Sầm Sơn làm chủ đầu tư…