Đây là dịp để đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam trao đổi, thảo luận nhằm xây dựng dự thảo Nghị quyết Ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) phù hợp yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu vào tháng 5/2022. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết bảo đảm chất lượng trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 14 (tháng 8/2022) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Văn phòng Quốc hội tổ chức tọa đàm để làm sâu sắc hơn, thiết thực, có tính phản biện, đề xuất được nhiều quy định mới nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ họp của Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Nội quy Kỳ họp Quốc hội được ban hành từ năm 2015 và đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Tuy nhiên sau gần 7 năm thực hiện, Nội quy này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới.
Do vậy, dự thảo Nghị quyết Ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cần phải đảm bảo việc thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị.
Dự thảo Nghị quyết phải hướng đến tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu tại kỳ họp Quốc hội bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Dự thảo Nghị quyết phải bảo đảm mọi hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp đều có quy định về quy trình, thủ tục cụ thể; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh việc cùng một nội dung nhưng có nhiều văn bản cùng điều chỉnh. Đồng thời, dự thảo phải nội quy hóa các nội dung đã được cải tiến, đổi mới có liên quan đến công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm.
Tại Tọa đàm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong thời gian qua, nhiều cải tiến, đổi mới đã được áp dụng tại kỳ họp và phát huy hiệu quả nhưng lại chưa được quy định hoặc khác so với quy định của Nội quy năm 2015. Do đó, Nội quy kỳ họp cần sửa đổi, bổ sung tập trung 24 vấn đề mới để sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 (cụ thể bổ sung 6 điều, sửa đổi 43 điều và kế thừa nguyên văn 13 điều như quy định hiện hành).
Đánh giá cao việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến đóng góp về các nội dung trọng tâm như: Quy định về chủ trì kỳ họp, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, khách mời, dự thính kỳ họp, chương trình kỳ họp…
Ông Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần tính toán lại việc quy định thời gian, thời lượng cho đại biểu phát biểu, giải trình, nhất là các bài phát biểu liên quan đến báo cáo thẩm tra, chương trình đề án, ý kiến giải trình, thảo luận tại tổ. Nếu để tất cả đại biểu phát biểu thì cần có thời lượng rất lớn. Do vậy, cần khuyến khích các đại biểu phát biểu tóm tắt ngắn gọn ý kiến trong thời gian từ 10 - 15 phút.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Sáu, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần có quy định thời gian tối thiểu trong việc đưa các văn bản cho Ban soạn thảo, kiểm tra hay thẩm tra... Đặc biệt, ưu tiên thời lượng cho các phát biểu chuyên đề, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội; đồng thời cần tham khảo, ghi nhận những có ý kiến cuối cùng trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết…
Ngoài ra, các đại biểu đã góp ý cụ thể các quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tiến hành các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội; biên bản kỳ họp, phiên họp; tập hợp, tổng hợp, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội; chủ tọa, thư ký phiên họp. Các đại biểu cũng đề xuất cần quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền của Quốc hội về quyết định nhân sự và cơ cấu tổ chức, thành lập, bãi bỏ các cơ quan trong bộ máy nhà nước; quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền của Quốc hội về quyết định các vấn đề quan trọng khác tại kỳ họp Quốc hội…