Theo tờ trình Chính phủ về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội sáng 27/10, dự kiến Bộ luật sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân từ tháng 1 đến tháng 3/2015. Bên lề Quốc hội, PV Tin Tức đã phỏng vấn đại biểu Nguyễn Thái Học (ảnh), ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, về vấn đề này.
Bộ luật Dân sự là bộ luật nền và việc sửa đổi sẽ được lấy ý kiến của nhân dân. Theo ông, thời gian để lấy ý kiến nhân dân trong 2 tháng như vậy đã hợp lý chưa?Lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự là một việc làm rất cần thiết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xây dựng kế hoạch. Theo dự kiến, tháng 5 Quốc hội họp, nên việc lấy ý kiến nhân dân trong 2 tháng nhằm phục vụ cho cơ quan chủ trì soạn thảo là phù hợp. Từ ý kiến nhân dân, nghiên cứu tổng hợp cái nào tiếp thu được, cái nào chưa tiếp thu được rồi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Tôi cho rằng, quan trọng là cách tổ chức để lấy ý kiến nhân dân như thế nào chứ không phải thời gian là bao nhiêu. Chúng ta phải làm sao để người dân thấy được việc tham gia góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự là gắn liền với quyền và nghĩa vụ của công dân vì Bộ luật Dân sự điều chỉnh tất cả những hành vi liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Khi người dân nhận thức được, tham gia góp ý vào Bộ Luật dân sự chính là tham gia vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.
Vậy theo ông, việc lấy ý kiến nên tập trung vào những vấn đề nào?Những quy định của Bộ luật Dân sự thì quy định nào cũng cần phải lấy ý kiến, vì nội dung nào cũng liên quan đến đời sống của người dân. Nhưng chúng ta phải phân định ra các đối tượng được lấy ý kiến, ví dụ như những quy định liên quan đến đối tượng cụ thể như: công nhân, nông dân, trí thức. Bên cạnh đó, cũng phải chú trọng đến tính chất vùng miền.
Vậy việc lấy ý kiến nhân dân nên thực hiện thế nào cho hiệu quả?Từ thực tế các lần mà Quốc hội lấy ý kiến nhân dân ở các địa phương, tôi cho rằng, thứ nhất trước khi lấy ý kiến nhân dân cần thực hiện tuyên truyền cho tốt, làm sao để người dân thấy được mục đích, yêu cầu của lấy ý kiến. Thứ hai là tài liệu, thường thì ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa điều kiện để tiếp cận với tài liệu của Bộ luật Dân sự rất khó. Vì vậy, các cơ quan lấy ý kiến phải gửi trước tài liệu cho nhân dân để họ có thể nghiên cứu trao đổi với nhau. Thứ ba là phải phát huy cho được vai trò của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở như: Hội nông dân, Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên.
Nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là phải phân tích, đánh giá, tổng hợp ý kiến của nhân dân. Chúng ta phải khắc phục những điều thường gặp ở thực tế là lấy ý kiến thì cứ lấy nhưng ý kiến của dân được phân tích, đánh giá, tiếp thu như thế nào thì lại ít chú trọng. Từ đánh giá đó, thấy ý kiến nào có thể đưa vào trong luật, ý kiến nào chưa được tiếp thu và vì sao.
Do đó, chúng ta phải có kế hoạch lấy ý kiến cho chu đáo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, thì việc lấy ý kiến mới có hiệu quả.
Xin cảm ơn ông.
Xuân Phong (thực hiện)