Theo đó, nhóm đối tượng và số lượng người có nguy cơ cao được xác định đó là nhóm hộ gia đình liên quan đến ca bệnh tại khu phố 1, phường Mỹ Hải và khu phố 1 ở các phường Tấn Tài, Đạo Long, Phủ Hà, Mỹ Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Mỗi khu vực chọn từ 200 - 300 hộ liên quan và có nguy cơ, sau đó lấy mẫu đại diện mỗi hộ gia đình một người, đồng thời thực hiện lấy mẫu gộp xét nghiệm RT-PCR để phát hiện SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, nhóm tiểu thương và người đi chợ tại chợ Động (phường Thanh Sơn), chợ Phan Rang (phường Kinh Dinh) được lấy ngẫu nhiên từ 10% (tiểu thương và người đi chợ tại thời điểm lấy mẫu). Lực lượng chức năng lấy mẫu đối với nhóm tài xế, phụ xe vận tải hành khách, hàng hóa có hoạt động vận tải từ ngày 17/7 đến nay để xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Ninh Thuận tổ chức lấy mẫu (100%) đối với nhóm nhân viên giao hàng thuộc hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị và hệ thống phân phối. Nhân viên bán hàng tại siêu thị, hệ thống phân phối được chọn ngẫu nhiên 20% và người đi mua hàng được chọn ngẫu nhiên 10% để thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Thuận, các nhóm đối tượng trên được xét nghiệm mẫu gộp bằng kỹ thuật RT-PCR để phát hiện SARS-CoV-2; đồng thời xét nghiệm test nhanh phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2. Khi phát hiện có ca dương tính, ngành Y tế khai ngay các biện pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly kịp thời...
Để phòng, chống dịch bệnh, Ninh Thuận đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Phước; thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg đối với 5 huyện còn lại là Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Sơn và Bác Ái từ ngày 16/7-13/8.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận, tính đến tối 11/8, toàn tỉnh có 523 bệnh nhân COVID-19; trong đó 3 bệnh nhân đã tử vong do có nhiều bệnh lý nền kéo dài. Trong 6 ngày qua, toàn tỉnh không phát hiện ca bệnh mới trong cộng đồng.
An Giang thành lập lực lượng truy vết dịch COVID-19
Ngày 12/8, Công an tỉnh An Giang công bố quyết định thành lập lực lượng truy vết dịch COVID-19 và tặng 3.000 phần quà cho người dân gặp khó khăn do đại dịch.
Đại tá Nguyễn Nhật Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã công bố quyết định thành lập các đơn vị truy vết dịch COVID-19 cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tất cả các khóm, ấp trên địa bàn với tổng số gần 15.000 cán bộ, chiến sĩ.
Cụ thể, Công an tỉnh thành lập: Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu thuộc Công an tỉnh; 11 đại đội thực hiện công tác truy vết trường hợp tiếp xúc gần với người mắc, nghi mắc COVID-19 gồm 759 người; 156 trung đội thực hiện công tác truy vết gồm 4.836 người; 879 tiểu đội thực hiện công tác truy vết gồm 8.790 người.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng Công an trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời biểu dương sự chủ động, sáng tạo của Công an tỉnh trong việc thành lập lực lượng truy vết.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang gửi lời cảm ơn, tri ân các nhà hảo tâm luôn đồng hành, kịp thời hỗ trợ, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ổn định cuộc sống. Bí thư Tỉnh ủy An Giang đề nghị các cấp ủy Đảng, các ngành, chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tiền Giang tăng cường tầm soát, khoanh vùng, dập dịch
Tận dụng thời gian “vàng” thực hiện Chỉ thị 16-CT/TTg, tỉnh Tiền Giang tăng cường công tác quản lý địa bàn, tầm soát nhằm sớm phát hiện ca nhiễm cũng như các ổ dịch mới để có biện pháp khoanh vùng, dập dịch.
Các địa phương đã kiện toàn mạng lưới các tổ, chốt kiểm tra, giám sát người ra, vào địa bàn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 140.000 người được tiêm vaccine. Các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng hoạt động thường xuyên, nắm chắc người ra, vào khu vực phụ trách, số lượng nhân khẩu, người cư trú… trong đó chú trọng tuyên truyền, giải thích rõ cho người dân hiểu về Chỉ thị 16-CT/TTg.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phạm Thị Tại, địa phương nằm ở vùng kiểm soát lũ đầu nguồn của tỉnh, tiếp giáp với hai tỉnh Đồng Tháp và Long An, nguy cơ lây lan dịch rất cao. Cùng với tăng cường công tác kiểm tra, quản lý người ra, vào địa bàn, huyện rà soát 25 chợ truyền thống; lấy mẫu gộp xét nghiệm cho 1.146 người tại 6 chợ và test nhanh lần 2 cho 145 tiểu thương ở 5 chợ. Tất cả đều có kết quả âm tính.
Thị xã Cai Lậy là một trong những điểm nóng về COVID-19 với 140 ca F0 được ghi nhận. Phó Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy Võ Thị Búp cho biết, thị xã lập 60 chốt kiểm tra ở các cửa ngõ ra vào, trong đó có 8 chốt của thị xã còn lại do các phường, xã quản lý kết hợp 19 tổ tuần tra nhằm kiểm soát người ra, vào địa bàn.
Tính đến ngày 11/8, toàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận 5.122 ca mắc COVID-19.