Kết quả khảo sát của Ban Văn hóa xã hội, HĐND tỉnh đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cho thấy, nguồn vốn nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực cho lĩnh vực này là rất lớn, nhưng hoạt động lại kém hiệu quả.
Đại biểu Kim Thị Hạnh cho biết: Hiện tại mỗi năm Nhà nước phải chi nguồn kinh phí trên hai tỷ đồng cho một trung tâm (hiện toàn tỉnh có chín trung tâm) để duy trì hoạt động, trong đó chi trả lương cho 149 giáo viên. Tuy nhiên, bình quân mỗi giáo viên chỉ dạy có 10 học sinh/năm, có trung tâm cả năm không tuyển được một học sinh nào, dẫn đến phòng ốc, trang thiết bị không có người sử dụng, trở nên cũ kỹ, lạc hậu. Một số thiết bị có giá trị hàng tỷ đồng đến nay vẫn bỏ kho, chưa sử dụng, nhiều nơi lại tiếp tục mua sắm thêm trang bị mới như hệ thống máy tính dạy ngoại ngữ, dạy vi tính…
Trong khi đó, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên hiện nay còn lúng túng trong hoạt động, tuy được giao thêm chức năng dạy nghề nông thôn, nhưng không được giao kế hoạch tuyển sinh; đội ngũ giáo viên lại không có chuyên môn hoặc chuyên môn không phù hợp để đào tạo.
Nguyên nhân được các đại biểu HĐND chỉ ra là do người đứng đầu cơ quan chức năng (Sở Giáo dục và Đào tạo) chưa thật sự quan tâm đến chất lượng hoạt động của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp ở các huyện, thành phố; công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn thiếu chặc chẽ, chậm đổi mới, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí lớn nguồn lực đầu tư nhà nước.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, UBND cấp huyện có cơ chế phối hợp, hướng dẫn, bố trí nguồn nhân lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để các trung tâm đi vào hoạt động hiệu quả; tiếp tục rà soát lại hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm đã được trang bị, có kế hoạch điều chuyển sử dụng, kế hoạch thanh lý; đồng thời rà soát, chấn chỉnh lại quy mô các trung tâm giáo dục dạy nghề, giáo dục thường xuyên phù hợp với nhu cầu địa phương, có giải pháp sử dụng các cơ sở, trường lớp theo nhu cầu thực tế, nhất là nhu cầu dạy nghề lao động nông thôn.
Theo đánh giá của HDND tỉnh Tây Ninh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định, tổng sản phẩm GRDP ước thực hiện 26.443 tỷ đồng, đạt 47,6% so với kế hoạch, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 11.042 tỷ đồng, đạt 40,7% so kế hoạch; dịch vụ - 14.034 tỷ đồng, đạt 47,2% kế hoạch, tăng 6,4% so cùng kỳ; thu ngân sách được 5.204,5 tỷ đồng, đạt 65,1% dự toán/năm, tăng 38,4% so cùng kỳ.
Đến nay toàn tỉnh có 36/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 45%. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng 98,2% so cùng kỳ, riêng trong năm tháng đầu năm tỉnh được xếp đứng đầu cả nước về số vốn đăng ký cấp mới; thứ 6/63 tỉnh, thành về tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài. Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, nhất là quản lý khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng đã được chấn chỉnh, đi vào nề nếp.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Tây Ninh cũng đã thông qua 27 Nghị quyết về đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.