Lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp trong đội ngũ những người làm công tác dân tộc

Sáng 20/4, tại Hà Nội, Ủy Ban Dân tộc đã tổ chức lễ khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Kết nối tri thức để phát triển”.

Tham dự Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam có đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ủy ban Dân tộc, các em học sinh Học viện Dân tộc.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Cơ quan công tác dân tộc (3/5/1946 - 3/5/2022).  

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức hằng năm trên phạm vi toàn quốc, nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách góp phần xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng các đại biểu và lãnh đạo Ủy ban Dân tộc tham dự Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.
Chú thích ảnh
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Hoàng Thị Hạnh nhận sách của các đơn vị trao tặng tại Ngày  sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 do Ủy ban Dân tộc tổ chức lần thứ nhất.
Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông tặng sách cho 10 em học sinh tiêu biểu của Học viện Dân tộc tại Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.

“Đây là dịp để lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của Ủy ban Dân tộc nói riêng và trong toàn ngành cơ cuan công tác dân tộc nói chung góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, Đảng và Chính phủ đã khẳng định, trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hoá và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên...  

Đề làm được điều đó, phát triển văn hóa đọc là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả, bền vững nhất. Trong những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin phong trào đọc sách có chiều hướng đi xuống. Nhưng cho dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng internet thì sách vẫn không thể mất đi giá trị truyền thống lâu đời vốn có của nó, gắn bó với con người trong hàng ngàn năm lịch sử. Và cho đến tận hôm nay, sách vẫn là nguồn sống quý giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể so sánh được.  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh truyền cảm hứng về ý nghĩa của văn hóa đọc tới các em học sinh Học viện Dân tộc nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.
Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng: Sách đóng vai trò quan trọng, là chìa khóa vạn năng mở cánh cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người.
Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng các em học sinh Học viện Dân tộc tham quan gian trưng bày sách và các ấn phẩm văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

“Tôi đồng tình với chủ đề năm nay “Kết nối trí thức để phát triển” và hy vọng sau buổi lễ này, toàn thể công chức, viên chức, người lao động cơ quan Ủy ban Dân tộc sẽ lắng lại, suy nghĩ, quan tâm, nâng cao nhận thức văn hóa đọc. Đây cũng là điểm khởi đầu khơi dậy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, chau dồi kiến thức xã hội nói chung, kiến thức quản lý nhà nước nói riêng thông qua việc đọc sách. Để ngày sách và văn hóa đọc không chỉ dừng lại trong những ngày này mà từng bước trở thành thói quen như cơm ăn, nước uống không thể thiếu của mỗi người; phong trào đọc sách phải diễn ra thường xuyên, liên tục”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 lần thứ nhất của Ủy ban Dân tộc có 6 chủ đề trưng bày, giới thiệu sách, báo, tạp chí; văn nghệ, thể thao… phong phú về nội dung, mỹ quan đẹp với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, nhiều tác giả, diễn giả và toàn thể công chức, viên chức, người lao động; tạo sức lan tỏa trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc. Việc lựa chọn chủ đề, tổ chức phát hành các ấn phẩm có hình thức đẹp, có nội dung ý nghĩa gắn với hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính sách vọng rằng, dân tộc.

Đây là dịp tạo môi trường thuận lợi để toàn thể công chức, viên chức, người lao động có điều kiện tiếp cận với sách, xây dựng thư viện, tủ sách nghiệp vụ, tủ sách chuyên ngành, thành lập câu lạc bộ yêu sách, bố trí phòng đọc; xây dựng phong trào quyên góp, ủng hộ sách... Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển sách điện tử, số hóa các ấn phẩm giấy, tạo thư viện điện tử... tạo điều kiện cho bạn đọc tiếp cận sách ở mọi lúc, mọi nơi.

Chú thích ảnh
Các em học sinh Học viện Dân tộc tìm hiểu văn hóa về các dân tộc thiểu số trong Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 do Ủy ban Dân tộc tổ chức.
Chú thích ảnh
Các đại biểu thăm quan gian trưng bày sách điện tử 3D.
Chú thích ảnh
“Sách” thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy cho chúng ta biết sống có ích và sống có lý tưởng.

Video Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, lần thứ nhất do Ủy ban Dân tộc tổ chức:

 

Chùm ảnh, video: Viết Tôn/Báo Tin tức
Phát triển văn hóa đọc thành ‘thương hiệu quốc gia’
Phát triển văn hóa đọc thành ‘thương hiệu quốc gia’

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022 là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Từ việc tôn vinh giá trị của sách, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách, sự kiện càng khẳng định tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN