Theo tờ trình của Chính phủ, sau 10 năm thực hiện, Luật du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành du lịch. Một số nội dung quy định trong Luật du lịch chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu khác nhau, hoặc thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, triển khai trên thực tế. Cụ thể: Quy định về chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là việc hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa cụ thể, thiếu tính khả thi, khó triển khai trên thực tế. Quy định về ưu đãi đầu tư không còn phù hợp với quy định của Luật đầu tư, theo đó du lịch là lĩnh vực, ngành nghề không được hưởng ưu đãi.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Ủy ban thống nhất với chủ trương thành lập Quỹ và đề nghị đặt tên Quỹ là Quỹ xúc tiến du lịch để tập trung vào mục đích chính là quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể nguồn thu, chủ thể quản lý, nguyên tắc, cơ chế điều hành Quỹ để tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ trong việc hướng dẫn thực hiện, đảm bảo tính khả thi của điều luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng tình với quan điểm Quỹ phát triển hỗ trợ du lịch cần tập trung vào mặt xúc tiến, quảng bá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề xuất nguồn thu từ quỹ, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước cần có sự xã hội hóa của các doanh nghiệp. Ông Thanh nhấn mạnh những đối tượng được hưởng từ hoạt động du lịch (doanh nghiệp -PV) cần có trách nhiệm với Nhà nước, với cộng đồng. Dẫn chứng việc tổ chức Carnaval Hạ Long huy động sự đóng góp của doanh nghiệp rất khó khăn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, Luật cần quy định cụ thể trách nhiệm và sự đóng góp của doanh nghiệp đồng thời chỉ rõ giao quỹ này cho cơ quan nào để sử dụng cho đúng mục đích.
Một số ý kiến cho rằng bố cục của Dự thảo Luật còn chưa thực sự hợp lý và chặt chẽ; đề nghị Ban soạn thảo rà soát nội dung và hình thức văn bản; sắp xếp, trình bày lại các điều, khoản cho hợp lý và chặt chẽ hơn, bảo đảm kỹ thuật soạn thảo văn bản và kỹ thuật lập pháp. Có ý kiến đề xuất cần tiếp tục làm rõ hơn các nội dung trong dự thảo về các loại hình kinh doanh lữ hành, điều kiện kinh doanh lữ hành, địa điểm kinh doanh, đồng thời làm rõ nội hàm của khái niệm hướng dẫn viên. Đồng thời, luật cần tiếp tục bổ sung xây dựng các quy định cụ thể trong quản lý nhà nước về du lịch, cơ chế phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị dự án Luật cần có các quy định cụ thể hơn trong việc xử lý các hành vi tiêu cực trong hoạt động du lịch; có liệt kê cụ thể hơn về danh mục các hành vi tiêu cực trong du lịch bởi mới liệt kê một số hành vi như tranh giành khách, chèn ép khách như trong dự thảo Luật là chưa đủ.
Liên quan đến quản lý nhà nước về du lịch, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, vai trò của HĐND cũng phải được khẳng định, trong dự án Luật chưa có nội dung nào khẳng định vai trò của cơ quan dân cử này trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch...