Làm rõ cơ chế xác định cơ quan chịu trách nhiệm nếu có oan sai trong hoạt động xét xử

Sáng 19/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn/TTXVN

Qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cơ bản đồng thuận với những nội dung được nêu trong dự thảo Luật. Góp ý cụ thể vào quy định tại điểm a, khoản 4,  Điều 2 của dự thảo Luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cụ thể là về thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết bồi thường của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án Quân sự trung ương, đại biểu nêu rõ: Hiện nay, quy định tại điểm này chưa làm rõ cơ chế xác định cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp có thiệt hại do oan sai xảy ra trong hoạt động xét xử.

Theo đại biểu tỉnh Bình Dương, điều này có thể gây ra một số bất cập. Thứ nhất, chưa phân định rõ trách nhiệm giữa các cấp tòa án. Trong thực tiễn, việc một người bị oan sai có thể bắt nguồn từ các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, nhưng chỉ được minh oan ở cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Khi đó, nếu không xác định rõ cấp tòa nào gây ra oan sai, thì việc quy trách nhiệm bồi thường sẽ dễ phát sinh tranh chấp, gây chậm trễ trong việc bồi thường thiệt hại cho người dân.

Thứ hai, trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án quân sự trung ương cần được quy định rõ ràng hơn. Các cơ quan này nên được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bồi thường trong phạm vi ngành dọc quản lý, đồng thời có trách nhiệm xác định rõ cơ quan tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại để thực hiện nghĩa vụ bồi thường đúng pháp luật.

Thứ ba, nếu không làm rõ trách nhiệm theo hành vi gây thiệt hại thì có thể dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp tòa án, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân và làm giảm hiệu lực thi hành của Luật.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét chỉnh lý quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 2 như sau: “Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án Quân sự trung ương chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường trong phạm vi quản lý của mình, đồng thời có trách nhiệm xác định rõ cơ quan tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại để yêu cầu thực hiện trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc oan sai phát sinh do sai lầm trong hoạt động xét xử của nhiều cấp tòa án, thì trách nhiệm bồi thường được xác định theo cấp tòa án cuối cùng có hành vi trái pháp luật bị xác định là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại". 

Nhất trí với nội dung tại dự thảo Luật quy định tổ chức Tòa án nhân dân 3 cấp gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực, các đại biểu đánh giá, dự thảo luật đã phân định thẩm quyền mạnh cho Tòa án nhân dân cấp khu vực tất cả các vụ án liên quan đến hành chính, kinh tế, dân sự, hôn nhân gia đình, tuy nhiên nội dung về hình sự chưa phân quyền triệt để.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) nêu ý kiến: “Chúng ta chỉ cho xử án đến 20 năm tù, còn lại án trên 20 năm tù đối với hình sự thì vẫn giao thẩm quyền cấp tỉnh. Nếu chúng ta muốn thực hiện cải cách liên quan đến tổ chức bộ máy một cách triệt để, tôi đề nghị phải phân quyền cho Tòa án nhân dân cấp khu vực được xét xử tất cả các vụ án hình sự, Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ thực hiện xét xử phúc thẩm. Và chúng ta không cần thiết phải thành lập lại 3 Tòa phúc thẩm trên cơ sở giải tán 3 tòa án cấp cao.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quan tâm đến nội dung về mối quan hệ phối hợp và chế tài kiểm tra giữa Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp khu vực (quy định từ Điều 55 đến Điều 60), đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nêu rõ, dự thảo Luật đã bổ sung cấp Tòa án nhân dân khu vực thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện hiện hành; giữ nguyên Tòa án nhân dân cấp tỉnh với vai trò quản lý theo địa bàn hành chính cấp tỉnh; giao quyền xét xử sơ thẩm thông thường cho Tòa án nhân dân khu vực, quyền phúc thẩm và giám đốc thẩm cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Tuy nhiên, cơ chế giám sát - phối hợp - kiểm tra giữa hai cấp này chưa được quy định rõ. Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, nếu không làm rõ mối quan hệ và chế tài kiểm tra sẽ dẫn đến dễ xảy ra tình trạng quản lý chồng chéo hoặc bỏ ngỏ. Nếu Tòa án nhân dân tỉnh không có cơ chế kiểm tra thực chất với Tòa án nhân dân khu vực, chất lượng xét xử tại cơ sở dễ bị bỏ ngỏ. Nếu kiểm tra thiếu ranh giới rõ ràng, có thể gây xung đột quyền lực nội bộ, ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử.

Đồng thời, đây cũng có thể sẽ là nguyên nhân gây nên khó khăn trong điều hành, đào tạo và điều chuyển cán bộ. Tòa án nhân dân tỉnh hiện đang là đơn vị điều phối nhân sự và đào tạo tập huấn toàn tỉnh. Nếu không rõ cơ chế điều phối với Tòa án nhân dân khu vực, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực và tính thống nhất về chuyên môn.

Một khó khăn khác cũng được đại biểu nêu đó là thiếu kênh phản hồi và giám sát chéo. “Không có chế tài kiểm tra rõ ràng sẽ dẫn tới thiếu kênh xử lý vi phạm tại Tòa án nhân dân khu vực; thiếu cơ chế giám sát chất lượng xét xử, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; không kiểm soát được nguy cơ tiêu cực ở cấp xét xử đầu tiên”, đại biểu nói.

Từ những phân tích trên, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số nội dung cụ thể. Theo đó, về cơ chế kiểm tra - giám sát chuyên môn, đại biểu đề xuất bổ sung khoản vào Điều 55 (về nhiệm vụ Tòa án nhân dân cấp tỉnh): “Thực hiện kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất đối với hoạt động xét xử, giải quyết vụ việc của Tòa án nhân dân khu vực thuộc địa bàn; báo cáo kết quả và kiến nghị biện pháp xử lý sai phạm lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”. Bổ sung nhiệm vụ giám sát chéo vào Điều 56 (cơ cấu Tòa án nhân dân tỉnh): “Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ đối với Tòa án nhân dân khu vực về hoạt động chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, thực hiện kỷ luật công vụ, báo cáo định kỳ về Tòa án nhân dân tối cao".

Ngoài ra, về chế tài xử lý vi phạm, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản mới vào Điều 60 nội dung như sau: “Trường hợp phát hiện vi phạm nghiêm trọng trong xét xử, vi phạm kỷ luật công vụ, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có quyền kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét xử lý kỷ luật hoặc thay đổi tổ chức, nhân sự tại Tòa án nhân dân khu vực".

Hiền Hạnh (TTXVN)
Không để oan sai khi xử phạt vi phạm giao thông
Không để oan sai khi xử phạt vi phạm giao thông

Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, diện mạo trật tự an toàn giao thông trên cả nước đã có sự thay đổi rõ rệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN