Tuyến đường Trần Phú được trang trí các pa nô chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN |
* Đặt niềm tin vào đại hội
Là đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đồng chí Phạm Hải Hoa, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên (Hà Nội) chia sẻ: Tôi đặt niềm tin sâu sắc và mong đợi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ là đại hội đột phá, với những quyết sách mới, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, kỳ vọng vào việc giải quyết tốt sự phân hóa giàu - nghèo trong đời sống xã hội, giảm thiểu sự chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng; khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp; giải quyết tốt việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tận dụng những cơ hội mới của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc hình thành cộng đồng ASEAN mang lại, để tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững hơn.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng phải được đặc biệt chú trọng, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị thấy rõ việc cần thiết và trách nhiệm phải đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc, thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, kỷ cương, gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời kiến nghị của nhân dân; bám sát thực tiễn cơ sở, nói đi đôi với làm, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và cán bộ, đảng viên.
Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Hải Hoa, đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ (Hà Nội) mong muốn: Các đại biểu dự Đại hội sẽ đoàn kết một lòng, thống nhất cao trong tình thân ái và bản lĩnh của những người cộng sản, để bầu chọn được tập thể Ban Chấp hành Trung ương thực sự là một tập thể đoàn kết, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, trí tuệ, có khả năng dẫn dắt, lãnh đạo toàn dân tộc tiến những bước dài trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế sâu và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu bày tỏ mong muốn đại hội bàn kỹ, phân tích sâu những kết quả và hạn chế, thời cơ và thách thức, định hướng mô hình phát triển kinh tế và quản lý xã hội, vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế chung của thời đại, trong đó coi tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng trưởng xanh - bền vững làm khâu đột phá.
Bên cạnh đó, đổi mới tư duy tiếp cận và đầu tư nguồn lực tập trung hơn cho phát triển giáo dục - đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và đội ngũ công chức các cấp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trên tinh thần thẳng thắn, quyết liệt, nói đi đôi với làm, thực hiện thường xuyên, rộng rãi.
* Có những quyết sách đúng đắn, sáng tạo
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa mong muốn Đảng tiếp tục đổi mới trong đường lối phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Về nhân sự, Trung ương đã có quy trình đào tạo, chuẩn bị quy hoạch rất kỹ lưỡng. Nhân dân mong muốn cần có sự bứt phá trong công tác cán bộ, trẻ hóa đội ngũ, xuất phát từ thực tiễn, có lý tưởng, đảm bảo có đạo đức trong sáng, minh bạch.
Đại diện cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp tham dự Đại hội, đại biểu Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp mong muốn đại hội lần này sẽ có những quyết sách, giải pháp đưa đất nước phát triển trong hòa bình, hợp tác; đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển và nâng chất lượng sống của người dân; Đại hội bầu được Ban Chấp hành Trung ương với những người tài đức, bản lĩnh "tâm - tầm - trí" để lãnh đạo đất nước phát triển.
Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Kiên Giang đặt niềm tin và kỳ vọng Đại hội thành công tốt đẹp, chọn ra Ban chấp hành Trung ương đoàn kết, năng động, sáng tạo với những vị lãnh đạo đức độ, tài ba để tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, nâng cao hơn nữa vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Khiết, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Kiên Giang cho rằng, hai vấn đề đặc biệt quan trọng của đại hội là văn kiện và nhân sự chuẩn bị hết sức khoa học, chu đáo, chặt chẽ. Nội dung văn kiện tập trung những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng cả về lý luận và thực tiễn cuộc sống, tập hợp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân với kỳ vọng Đại hội XII của Đảng có những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế, tiến trình phát triển mạnh mẽ của thời đại trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Đối với công tác nhân sự, quá trình chuẩn bị nghiêm túc, chọn lọc kỹ lưỡng, dân chủ, minh bạch trình đại hội quyết định chọn ra Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bản lĩnh, tài giỏi, hết lòng vì nước, vì dân để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tiếp tục đưa đất nước tiến bước vững chắc, phát triển hùng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên, no ấm và hạnh phúc.
Bày tỏ kỳ vọng của mình với Đại hội, ông Khiết cho hay: Qua theo dõi, nghiên cứu dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ XII, Đảng ta rất quan tâm đến việc chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiêu diệt tận gốc vấn nạn này sẽ tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và chung sức, chung lòng cùng Đảng thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển đất nước.
Cùng với đó, một điều mà ông Khiết kỳ vọng nữa là Đảng và Nhà nước phải quan tâm đến đội ngũ trí thức, khơi dậy và phát huy chất xám của nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi để họ cống hiến, nghiên cứu, sáng tạo, phát minh nhiều vấn đề hay, hữu dụng trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ cuộc sống, góp phần phát triển đất nước.
Đại đức Thích Minh Nhẫn, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang gửi gắm niềm tin đến Đại hội XII của Đảng: Trong tình hình diễn biến chung của thế giới hiện nay, mọi người dân Việt Nam đều chung dòng suy nghĩ, mong ước, quyết tâm phát triển kinh tế để hội nhập, sánh vai với các nước. Chủ quyền biển - đảo thiêng liêng của Tổ quốc phải được bảo vệ toàn vẹn, bất khả xâm phạm.
Chức sắc tôn giáo và tín đồ phật tử luôn vững niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, trong kỳ Đại hội này, đồng bào phật tử tỉnh Kiên Giang kỳ vọng Đảng sẽ chọn được người lãnh đạo cao cấp đủ bản lĩnh chính trị, tài năng, đức độ để lãnh đạo đất nước tiếp tục phát triển trong thời kỳ hội nhập. Đại hội lần thứ XII của Đảng sẽ đề ra được những quyết sách đúng đắn đưa đất nước phát triển về mọi mặt, sánh vai với bạn bè quốc tế.
* Tạo động lực để bứt phá
Đồng chí Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Trưởng đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long cho rằng : Trong thời gian tới, nước ta sẽ hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn, mạnh hơn, nên tính cạnh tranh sẽ càng quyết liệt hơn. Mặt khác, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ tác động nhanh hơn, gây nhiều bất lợi đến sản xuất và đời sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Do đó, để tạo động lực cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bứt phá, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiều hơn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt là triển khai thực hiện tốt chủ trương liên kết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long; trọng tâm là liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là 3 sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thủy sản (cá tra, tôm), trái cây.
Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng về xúc tiến đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; sử dụng chung kết cấu hạ tầng vùng về công nghiệp, xử lý chất thải rắn, cấp nước, chợ đầu mối...; phối hợp tuyên truyền và quảng bá du lịch, hình thành các tour du lịch; khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững tài nguyên nước, bảo vệ môi trường; phối hợp xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án mang tính chất vùng cần mời gọi đầu tư, trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu, xúc tiến mời gọi đầu tư...
Bên cạnh đó, Vĩnh Long tiếp tục đề xuất, kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có cơ chế phối hợp quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông để tạo sự kết nối giữa các địa phương trong vùng và vùng lân cận; có cơ chế, chính sách đặc thù về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, phát triển nhanh nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn và giáo dục - đào tạo. Thực hiện đổi mới đất nước 30 năm qua, Đảng và Nhà nước đã đầu tư phát triển mạnh hai lĩnh vực này nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều khó khăn, bất cập.
Nền sản xuất nông nghiệp của đất nước chưa thật sự ổn định, bền vững, mà cụ thể là chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản kém sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, tình trạng “được mùa mất giá” chưa được khắc phục triệt để, ảnh hưởng bất lợi đến đời sống, sản xuất của nông dân. Đời sống một bộ phận nông dân trên cả nước còn nhiều khó khăn, nhất là những vùng nông thôn sâu, miền núi, biên giới và hải đảo.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Giang: Hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, chất lượng cao là xu thế phát triển tất yếu của đất nước, vừa tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, vừa tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, góp phần cùng với các ngành nghề kinh tế khác phát triển đất nước. Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tất cả phụ huynh, toàn xã hội và cả hệ thống chính trị đều mong muốn đổi mới để nền giáo dục Việt Nam phát triển tương đương với thế giới, với khu vực.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Giang kỳ vọng và tin rằng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng định hướng mục tiêu chiến lược, quyết sách đúng đắn, toàn diện về nông nghiệp - nông dân - nông thôn và giáo dục - đào tạo trên cơ sở đưa ra lộ trình, giải pháp khoa học hữu hiệu, nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, từng miền để đảm bảo cho sự đổi mới, phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả và phát triển theo quy luật.