Ông Đỗ Quang Bình (250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội): "Đại biểu Quốc hội phải thực hiện vai trò giám sát"Quốc hội là nơi đại diện cho nhân dân, quan tâm những vấn đề lớn, nhưng đại biểu Quốc hội là đại diện cho từng cụm cư dân nên cần quan tâm sâu sát tới việc thực tiễn của dịa bàn mà mình đại diện. Pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và phải có hiệu lực trong cuộc sống – đấy chính là điều mà cử tri chúng tôi mong chờ ở các đại biểu Quốc hội.
Vừa qua, khi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư thành ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri, tôi đã thay mặt cử tri chung cư 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) phản ánh những sai phạm của chủ đầu tư. Các cơ quan từ Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng, UBND quận đến UBND phường đều nói đó là những sai phạm, nhưng trong một thời gian dài không ai xử lý, không ai chịu trách nhiệm.
Sau khi lắng nghe ý kiến cử tri, đồng chí Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo các ban ngành của TP Hà Nội phải xử lý ngay những sai phạm này. Tuy nhiên đến nay vụ việc xử lý vẫn chưa dứt điểm. Thông qua sự việc của 250 Minh Khai, điều chúng tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội là hãy quan tâm đến tính hiệu lực và tính trách nhiệm của hệ thống chính quyền.
Tiếp xúc cử tri không phải là buổi giải quyết khiếu nại tố cáo. Nhưng thông qua những vấn đề cụ thể của cụm dân cư thì các đại biểu Quốc hội cần thực hiện vai trò giám sát việc thực hiện pháp luật của cơ quan nhà nước. Vì Quốc hội là cơ quan xây dựng pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật. Mong muốn của cử tri chúng tôi là đại biểu Quốc hội quan tâm sâu sát để pháp luật được thực thi nghiêm minh, kỷ cương phép nước phải được giữ vững trêncụm cư dân mà các vị là đại diện.
Sáng 19/10 tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Ông Dương Văn Thêm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội: "Chỉ nên đầu tư vào lĩnh vực cần thiết"
Người dân đang lo lắng về con số nợ công của Việt Nam đã lên trên 50% GDP. Mặc dù Ngân hàng thế giới đánh giá nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn bền vững nhưng chúng tôi cũng không khỏi lo lắng khi các thế hệ con cháu về sau sẽ phải trả nợ nhiều. Tất nhiên nếu tiền đi vay nước ngoài được sử dụng hiệu quả thì sẽ mang lại sự phát triển cho đất nước nhưng ngược lại, đó sẽ là một áp lực lớn.
Cử tri mong muốn Quốc hội có chương trình giám sát thu chi ngân sách cũng như giám sát tiền vay nước ngoài một cách sát sao và rõ ràng. Đề nghị cắt giảm các khoản chi tiêu không hợp lý, đầu tư phải có trọng điểm. Trong bối cảnh ngân sách khó tăng thu như hiện nay thì chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực thực sự cần thiết cũng như an sinh xã hội, siết chặt hoạt động của các Tổng công ty, Tập đoàn nhà nước.
Ông Lò Văn Chiến (dân tộc Giáy, bản Tả Sin Chải 2, phường Đông Phong, TP Lai Châu): "Quan tâm hơn đến chính sách cho đồng bào dân tộc"Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục thảo luận các chính sách đối với đồng bào các dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn, để dần nâng cao đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Nếu không được Nhà nước quan tâm tiếp tục đầu tư, hỗ trợ, một số chính sách kết thúc không triển khai tiếp thì các địa phương được thụ hưởng sẽ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, Chính phủ cần lựa chọn các chính sách, dự án sao cho sát với thực tế của địa phương, khi triển khai phải thực sự mang lại hiệu quả, tránh thất thoát tiền của Nhà nước và nhân dân. Trong những chính sách đó, trước hết phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho miền núi như: điện, đường, trường, trạm. Thứ 2, là quan tâm hơn nữa các chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo như: làm nhà, hỗ trợ sản xuất, vật nuôi, cây trồng, phổ biến khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thứ 3, đầu tư kinh phí để triển khai các hạng mục trong chương trình xây dựng nông thôn mới, vì một số tiêu chí mãi không đạt được do thiếu kinh phí. Thứ 4, cần quyết liệt hơn nữa trong việc chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; cụ thể là hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: phân bón giả, thuốc trừ sâu giả, giống kém chất lượng…
Tôi mong kỳ họp tới, Quốc hội và các đại biểu phải cụ thể hóa các chủ trương chính sách này và nâng cao vai trò là cơ quan đại diện cho quyền lợi của nhân dân.
Ông Nguyễn Quốc Vinh (cán bộ hưu trí phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội): "Chất vấn tư lệnh ngành về vấn đề an toàn thực phẩm"Trong những kỳ họp gần đây, chúng tôi rất hài lòng về hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là các phiên chất vấn các bộ trưởng. Tuy nhiên, trước thực tế thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm thực sự khiến người dân lo lắng, ví dụ việc các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm, rau chưa sạch, thực phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… bán tràn lan trên thị trường. Vì vậy, mong Quốc hội và các vị đại biểu tập trung thảo luận, chất vấn các “tư lệnh” ngành để giúp người dân yên tâm hơn về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc (Hòa Bình): "Cần cân đối tỷ lệ nữ trong cơ cấu bộ máy chính quyền"Hiện nay chúng ta đã quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia vào tất cả các vấn đề, bộ máy. Tuy nhiên, theo quy định như hiện nay, tỷ lệ cán bộ nữ trong bộ máy quản lý từ 15 % – 30% thì còn ít. Theo tôi cần nâng tỷ lệ này lên, bởi thực tế, có không ít cán bộ nữ có tài nhưng do tỷ lệ lấy cán bộ nữ ít nên chưa được “trọng dụng” đúng với khả năng.
Hơn nữa, tăng tỷ lệ cán bộ nữ sẽ khuyến khích chị em phấn đấu học tập và tham gia vào các công tác xã hội. Như xã Thanh Hối là một xã nông thôn, chị em vẫn còn tự ti, chưa tham gia nhiều vào công tác xã hội. Nếu như chị em phụ nữ được tạo điều kiện tham gia các lớp học về kinh nghiệm làm ăn, vay vốn… và có cơ hội tham gia vào bộ máy quản lý, thì chắc chắn sẽ khuyến khích họ phấn đấu tốt hơn so với hiện nay.
Đồng thời, trong việc lấy ý kiến cử tri, cần láy ý kiến của cả cấp thôn, xóm, người dân chứ không chỉ lấy ý kiến đại diện đầu ngành từ cấp xã trở lên như hiện nay. Có đi sâu, lấy ý kiến quần chúng thì mới thể hiện được ý kiến, mong mỏi của đa số người dân.
Ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Hộ (Thị xã Phú Thọ, Phú Thọ): "Cần công khai, minh bạch tuyển chọn công chức"Một trong những vấn đề cử tri chúng tôi quan tâm là vấn đề tuyển chọn công chức. Thực tế hiện nay, việc tuyển chọn công chức ở nhiều đơn vị, nhiều địa phương còn thiếu minh bạch. Sẽ không hiếm những câu chuyện tại nhiều địa phương, muốn vào làm việc tại một đơn vị, cơ quan nhà nước thì sẽ phải có một số tiền nhất định để “chạy” vào, dù chỉ là làm việc hợp đồng. Đây thực sự là một vấn nạn hiện nay.
Điều này đã kéo theo những hệ lụy lâu dài, đó là người thực sự có tài thì chưa được trọng dụng, khiến chất lượng bộ máy công chức chưa thật sự được như mong muốn. Do đó, việc tuyển dụng công chức cần được tổ chức công khai, minh bạch hơn nữa để đảm bảo tính công bằng và chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức.
Cùng với đó, việc đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhiều sinh viên kể cả đại học hay trường nghề, ra trường không kiếm được việc làm do thiếu kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Nhiều trường đại học còn phát triển ồ ạt, chưa thực sự quan tâm đến chất lượng đào tạo. Do đó, thời gian tới, việc đổi mới giáo dục cần đi vào thực chất hơn nữa để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.