Dự sự kiện, về phía Việt Nam có: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương. Về phía Pháp ngữ có Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo; các Bộ trưởng, đại diện tổ chức quốc tế và đông đảo doanh nhân Pháp ngữ; Đại sứ một số đại sứ quán thuộc khối Pháp ngữ tại Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, cách đây 25 năm, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 với sự tham dự của 48 Nhà nước và Chính phủ thành viên khối Pháp ngữ. Đây là Hội nghị cấp cao Pháp ngữ đầu tiên được tổ chức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đánh dấu một mốc phát triển rất quan trọng về thể chế của Pháp ngữ với việc thông qua Hiến chương Pháp ngữ và bầu Tổng Thư ký đầu tiên của Pháp ngữ. Bên cạnh đó, thông qua thảo luận sâu rộng xung quanh chủ đề của Hội nghị về “Tăng cường hợp tác và tình đoàn kết Pháp ngữ vì hòa bình và phát triển kinh tế, xã hội”, ý tưởng về một Pháp ngữ kinh tế đã được củng cố và giờ đây đã trở thành một trong những trụ cột hợp tác của Pháp ngữ.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, với Việt Nam, Pháp ngữ chính là một trong những cánh cửa để Việt Nam từng bước đẩy mạnh hội nhập với thế giới trong giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới và Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 là sự kiện đa phương lớn đầu tiên Việt Nam đăng cai kể từ khi bắt đầu tiến hành Đổi mới. “Hội nghị này là một minh chứng khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam, theo đó, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội. Việc đăng cai Hội nghị cấp cao Pháp ngữ 7 mang đến cho Việt Nam nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu, để sau này Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị lớn của các diễn đàn đa phương quan trọng như APEC, ASEM, ASEAN... Bên cạnh đó, Hội nghị không chỉ tạo xung lực mới cho hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa Việt Nam với các nước thành viên Cộng đồng Pháp ngữ, mà còn góp phần quảng bá sống động các giá trị văn hóa tốt đẹp gắn liền với tiếng Pháp, từ đó tiếng Pháp tiếp tục phát triển ở Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, 25 năm qua cũng chứng kiến một Việt Nam vươn lên mạnh mẽ với sự phát triển vượt bậc về mọi mặt. Từ một nước chậm phát triển với nền kinh tế kế hoạch tập trung, đến nay, Việt Nam đã trở thành một nước thu nhập trung bình, có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang phát triển năng động, hội nhập quốc tế và liên kết kinh tế sâu rộng. Sau hai năm cùng với cộng đồng quốc tế kiên cường ứng phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đến nay cơ bản đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thành quả này có được, bên cạnh quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, là nhờ sự ủng hộ, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước thành viên Pháp ngữ.
Bày tỏ vinh dự được có mặt tại sự kiện ý nghĩa này, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo cho rằng, đây là dịp cộng đồng Pháp ngữ cùng nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai. Vui mừng khi biết hàng năm Việt Nam đều kỷ niệm rất trọng thể và rộng rãi Ngày Quốc tế Pháp ngữ 20/3, bà Louise Mushikiwabo khẳng định: Tương lai Pháp ngữ trong tay thế hệ trẻ của hàng triệu nam, nữ thanh niên, những người đại diện cho hơn 70% dân số của một số quốc gia trong khối Pháp ngữ. Đây là lực lượng mà Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ phải có hành động nhằm đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của họ như: Được có việc làm; được đào tạo kỹ năng và năng lực cần thiết để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hội nhập thị trường lao động; được đầu tư cho giáo dục và đào tạo nghề... Đây đều là những thách thức lớn đặt ra cho các quốc gia và chính phủ thành viên của khối Pháp ngữ.
“Việt Nam là một tấm gương lớn về những hỗ trợ dành cho thanh niên, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp. Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ mong muốn góp phần mình vào việc này bằng cách tăng cường kết nối giữa các tác nhân kinh tế Pháp ngữ”, bà Louise Mushikiwabo chia sẻ.
Bà Louise Mushikiwabo cũng cho rằng, là một đất nước đang trên đà phát triển, với tiềm năng công nghệ to lớn, Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược Kinh tế của khối Pháp ngữ, một chiến lược được hiện thực hóa với sự hiện diện của gần một trăm doanh nghiệp đến từ 24 quốc gia, để gặp gỡ khoảng 370 doanh nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ. Bà Louise Mushikiwabo bày tỏ mong muốn hoạt động này đóng góp vào việc tạo lập và củng cố các mối quan hệ đối tác thương mại hiệu quả giữa các thành phần kinh tế trong không gian Pháp ngữ.
Nhân dịp này, quyền Chủ tịch Nhóm các Đại sứ và Trưởng các phái đoàn và các tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam (GADIF), Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đã trao Giải thưởng danh dự Pháp ngữ thường niên của nhóm GADIF cho Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Đại sứ Nicolas Warnery cho biết, Học viện Ngoại giao Việt Nam là biểu tượng cho sự đổi mới và năng động của Cộng đồng Pháp ngữ, với việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Hợp tác Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CECOFAP). Hiện nay, Trung tâm là thành viên mạng lưới quốc tế của Diễn đàn Pháp ngữ Senghor. Năm 2021, Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng triển khai sáng kiến giảng dạy tiếng Pháp như ngoại ngữ thứ hai, nâng số sinh viên nói tiếng Pháp tại Học viện lên gấp 6 lần, từ 50 lên 300 sinh viên/khóa. Sáng nay (25/3), Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng đã khánh thành Không gian Pháp ngữ với một số phòng chuyên môn và một thư viện.