Dự buổi họp mặt có đại diện lãnh đạo thành phố, các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân các chiến sĩ Khởi nghĩa Nam Kỳ và đại diện các tầng lớp nhân dân huyện Hóc Môn.
Tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hóc Môn, đã ôn lại truyền thống lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Giữa tháng 11/1940, Xứ ủy Nam kỳ đã quyết định phát động toàn Nam kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân. Đêm 22, rạng sáng 23/11/1940, cả Nam Kỳ rung chuyển với sự nổi dậy của nhân dân ở 20/21 tỉnh, thành phố.
Các đồng chí lãnh đạo TP Hồ Chí Minh dâng hoa, dâng hương Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ tại khu di tích Ngã Ba Giồng. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Riêng tại huyện Hóc Môn, đông đảo quần chúng nhân dân đã tham gia cùng lực lượng nghĩa quân tấn công áp sát vào dinh lũy Quận trưởng Hóc Môn. Cùng thời điểm đó, quần chúng nhân dân, các lực lượng cách mạng ở các ấp xung quanh quận lỵ đã đồng loạt nổi trống, mõ, cổ vũ tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân và uy hiếp tinh thần địch. Cuộc khởi nghĩa tuy không thành công nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, góp phần cho thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Tiếp nối truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn chung sức đồng lòng, tiếp tục nỗ lực phấn đấu để xứng đáng hơn nữa với truyền thống quê hương Hóc Môn - Bà Điểm anh hùng, với Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước và cùng cả nước. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Hóc Môn sẽ nỗ lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; cùng nhau ra sức xây dựng huyện Hóc Môn ngày càng phát triển, góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Cùng ngày, các đại biểu đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) và tại Tượng đài Nam Kỳ Khởi Nghĩa (thị trấn Hóc Môn).