Tiếng trống múa rộn ràng, rộn rã trên khoảng sân rộng rợp mát của vùng đất ven sông Hậu - Phú Hữu. Khói nhang bay mù mịt từ khu di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa lan xa trong khoảng không gian lồng lộng mát dịu tháng mười một. Lũ con nít thì chăm chú theo dõi các tiết mục văn nghệ hấp dẫn của các đoàn ca múa từ khắp nơi đổ về đây. Người chật cứng. Cũng dễ hiểu thôi, lễ hội kỷ niệm ngày Khởi nghĩa Nam kỳ mà.
Trong hơi men ngà ngà say loại rượu đế Xuân Thạnh vốn là món “độc chiêu” của miệt Trà Vinh, ông Chín kể vanh vách về mấy cái ngày người dân ở đây đứng lên khởi nghĩa làm tụi Tây, tụi Việt gian bán nước chạy tán loạn, hồn vía lên mây. Hàng chục người khách trẻ có, già có ngồi nghe chuyện kể bảy mươi mấy năm về trước mà mặt xanh như tàu lá.
Ngày đó…
Tiếng con bìm bịp kêu ra rả dưới mé sông. Trời tối đen như mực. Trong mấy cái nhà lá dừa nước nằm sâu trong cái xẻo đầy ắp lục bình, hàng chục người đàn bà đang ngồi may cờ đỏ sao vàng dưới ánh sáng phát ra từ những chiếc đèn hột vịt nhỏ xíu.
- Chín ơi! Bây coi chừng mấy chiếc xuồng dùm. Xuồng mới “xảm” chay hổng biết nước có vô mấy cái be hôn. Tối nay là “oánh” quyết liệt nhứt chín nhì bù đó nghe mây. Tiếng dì Tư Hậu nhắc khẽ.
- Tui biết rồi. Dì khỏi lo. Mà …mà….
- Mà mò cái gì nữa đây ông thần đèn. Sắp ra trận mà ông cà lăm hoài, chắc chút nữa đạn bắn kẹt nòng quá.
- Dì nói xui quá. Hổng hên chút nào, coi chừng có “huông” đó nghe. Tui nói mấy dì, mấy chú cho tui đi theo làm thịt thằng quan hai của Tây để trả thù cho cha tui. Tui…tui …. Nói tới đó Chín bật khóc hu hu.
Cả gian nhà lá im phăng phắc. Tiếng dì Tư nấc lên nghèn nghẹn làm mấy người phụ nữ cũng khóc theo rưng rức. Mấy lá cờ rơi xuống những chiếc đệm lác. Ai chớ vụ chú bảy Thôn bị tụi Tây bắn banh xác, chặt đầu treo lủng lẳng ở cột cờ nhà việc xã vì cái tội đi theo Cộng sản. Mấy lần du kích định tấn công lấy đầu, lấy xác nhưng bất thành do bọn địch canh gác ngày đêm cẩn mật. Ban đêm lũ kên kên nghe mùi tanh tưởi tìm đến tha hồ cắn mổ cái đầu và cái xác biến dạng của người cộng sản kiên trung. Đau quá. Xót xa quá nhưng lực bất tòng tâm. Anh em thằng Chín ngày đêm quanh quẩn bên cái xác cha mình mà nước mắt nước mũi tèm lem cùng với sự căm phẫn tột độ. Nửa tháng sau, gia đình mới mang được thi thể về chôn cất. Anh em thằng Chín đồng loạt xin đi cách mạng để rửa hờn từ đó.
- Thôi được rồi. Bây còn nhỏ, tao phân công bây có nhiệm vụ đốt hết sổ sách, giấy nợ của bà con với địch và phụ trách đánh cái trống cái của nhà việc để thông báo việc quân mình đánh chiếm trụ sở. Bây chịu hôn?
- Nhưng…tui… tui muốn lụi thằng quan hai giết cha tui…Tui ức lắm.
- Biết rồi. Nhưng sức bây chưa làm được chuyện động trời đó đâu. Để tụi tao mần cho. Nếu hổng chịu thì ở nhà. Tính sao thì mặc bụng.
Biết không lay chuyển được tánh nết dì Tư bí thơ, thằng Chín im re gật đầu lia lịa trong hai hàng nước mắt với cái miệng méo xệch vì thất vọng.
Khí thế thật khẩn trương. Mé bên rạch Đường Gỗ hàng trăm chiếc xuồng nhỏ chuẩn bị xuất phát. Thấp thoáng những chiếc khăn rằn quấn cổ nhẹ nhàng leo lên. Dưới xuồng hàng bó truyền đơn, giáo, mác, mã tấu, tầm vông vạt nhọn được ém chặt dưới những cái nóp quấn gọn gàng dưới đáy xuồng. Những đôi mắt sáng rừng rực trong đêm đang chờ giờ hành động.
Tiếng bơi xuồng ào ào hướng về phía xã Phú Hữu. Ra sông cái, cả đoàn tách ra hai hướng, Dì Tư Hậu dẫn trên 60 chiếc xuồng vượt sông Hậu qua phía Trà Ôn, chú Tư Cà cùng mấy mươi chiếc xuồng còn lại tiến về nhà việc. Khí thế khởi nghĩa ngất trời. Ầm. Ầm. Bầu trời đen phía huyện Phụng Hiệp bỗng sáng lòa. Tiếng súng nổ bắn ầm ầm trong đêm lạnh thâm u.
Phía Cái Răng tiếng súng các loại cũng vang lên giòn giã. Tờ mờ sáng, du kích đã chiếm lĩnh nhà việc xã Phú Hữu. Bọn lính tề bỏ chạy tán loạn theo mấy con đê ruộng, toán khác lột sạch quần áo rồi bơi xuồng chạy trốn vô mấy con rạch rồi lẩn về quê. Lá cờ tam tài ba màu của Tây bị thằng Chín leo lên cột cờ chặt đứt dây rơi xuống con mương rồi trôi theo dòng nước. Chú Tư Cà lấy cái búa bữa cũi phang mạnh vô mấy cái tủ cây chứa đầy giấy tờ, trong đó có khá nhiều giấy nợ mà bọn địch bắt dân phải ký để chúng tha hồ lấy xâu lúa mùa, tha hồ chiếm đất. Thằng Chín rưới lên đống hồ sơ khổng lồ kia mấy lít dầu Ga dôn rồi đốt cháy bừng bừng coi bộ hả hê lắm. Ít ra nó cũng đã có mặt trong đoàn quân giải phóng quê nó, trả thù cho cha nó, cho bà con chòm xóm bị địch giết chết oan ức...
Sân nhà việc càng lúc càng đông người. Ai cũng muốn có mặt trong giờ phút đổi đời này, được tận mắt dòm thấy xác thằng quan hai của Tây bị du kích chém mười mấy nhát bằng cây phảng phát cỏ. Nó chết mà hai mắt mở trừng trừng vì sợ hãi, vì bất ngờ. Cuộc mít tinh diễn ra rôm rả. Ai cũng hả hê khi chứng kiến cảnh trống huơ, trống hoắc của nhà việc, chỉ còn sót lại mấy mươi bộ quần áo bọn lính làng, mấy chiếc nón kê - pi của quan Pháp còn để trên bàn làm việc. Khắp đường làng, khẩu hiệu treo dầy đặc trên các thân cây “Đả đảo thực dân Pháp”; “ Nam Kỳ khởi nghĩa thắng lợi muôn năm”.
Vậy mà…
- Sao đang kể mà ông ngừng ngang vậy? Tiếng thằng Quang đưa ông về thực tại.
- Tao buồn. Quên sao được mấy cái ngày khởi nghĩa vui nhưng trả giá cũng nhiều lắm.
- Là sao ? Ông kể tiếp nghe đi.
- Thì tụi giặc dùng vũ lực quay lại tàn sát cán bộ đảng của mình, đàn áp phong trào của người dân. Nhiều gia đình phải bỏ quê để tránh sự trả thù của chúng. Nhiều cán bộ “nòi” của mình bị chúng đày đi tù khắp nơi. Xã này vắng “que”, chiều chiều nhà nhà nhìn nhau thót ruột luôn tụi bây ơi. Cũng may…
- May là sao? Ông kể đứt khúc khó hiểu muốn chết.
- Thì may là sau đó tới năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, phong trào đấu tranh ở đây bắt đầu khởi sắc lại, bộ đội, du kích “dìa đây” đông nghẹt, xứ Nam kỳ khởi nghĩa này lại bừng bừng khí thế đánh giặc như hồi trước. Nói thiệt nghe chắc hổng có ở đâu người dân chịu đựng chết chóc, tù đày, bom đạn chiến tranh như ở đây. Nói chi cho xa, nhà tao có tới 7 người là liệt sỹ. Còn xung quanh gia đình liệt sỹ, thương binh, nuôi chứa cách mạng đếm không có “xuể” đâu.
Nhắm nghiền đôi mắt với dáng vẻ thật khổ tâm vì trí nhớ đã quá già nua, ông Chín lại kể về những trận chiến đấu trên quê hương Phú Hữu anh hùng mà ông đã từng chứng kiến, từng tham gia trong suốt cuộc đời mình. Năm một ngàn chín trăm sáu mươi bảy tới bảy mươi lăm, vùng này chiến tranh ác liệt lắm. Mỹ - Ngụy càn quét liên miên, pháo dội vô đây nồng nã ngày đêm. Dân làng ruột đau như cắt. Mỗi lần hết pháo kích là ông lại ù ù chạy bộ tới coi mấy công bưởi, cam mật, quýt tiều sống chết ra sao; coi du kích, người dân có ai bị thương để chuyển về hậu cứ chăm sóc vết thương...
Trong khoảng không gian xanh thẳm của bạt ngàn cây trái đang đơm hoa kết trái say oằn, ông nghe thoang thoảng bên mình mùi ngọt ngào của hương bưởi Năm Roi, hương dịu dàng của cam mật, cam xoàn, nhãn tiêu. Ông soi bóng mình xuống dòng sông rộng mênh mông sáng nay sao trong vắt đến lạ thường. Trong đó hình ảnh cậu bé Chín chăn vịt chạy đồng lốc chốc trên đồng ruộng vàng hực màu phèn đã không còn để thay vào đó là một ông già Chín râu tóc bạc phơ đang trầm ngâm trước thế thái nhân tình, trước bao biến cuộc thế gian. Ông lặng lẽ bước đến đến cái lư hương khá lớn đặt trước tấm bia tưởng niệm những ngày lịch sử Nam Kỳ năm xưa để cắm vào đó những nén nhang trầm.
Trong hương đồng gió nội của làng quê Phú Hữu, ông Chín mơ hồ lắng nghe tiếng trống nhà việc năm nào cứ đánh liên hồi ngày mỗi lớn hơn, dồn dập hơn; nhận ra những đống lửa đốt tài liệu cháy rần rần không tắt. Và trên sông rộng, hàng trăm chiếc xuồng đang hăm hở lao đi với một sức mạnh vô bờ. Trên đó, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh phất phơ bay để báo hiệu cuộc khởi nghĩa đã bắt đầu.
Lũ trẻ cứ há hốc miệng nhìn ông không ngớt. Chúng đâu hiểu được ông đang nghĩ gì trong cái ngày lịch sử này mà chỉ thấy đôi mắt ông sáng trong hơn ngày thường; bước đi của ông trở nên khỏe khoắn hơn, nhanh nhẹn hơn với nụ cười mãn nguyện.
Triệu Mỹ Ngọc