Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có rất nhiều sự kiện vàng son, không chỉ đánh dấu mốc mà còn chứa đựng những bài học kinh nghiệm cho mai sau. Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra từ ngày 23/11/1940 đến ngày 31/12/1940, cách đây 74 năm là một trong những mốc son chói lọi ấy.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Sự chà đạp và tước đoạt của thực dân Pháp đối với nhân dân ta lên đến cực điểm cùng mưu mô đầu hàng thỏa hiệp với phát-xít Nhật đã đặt ra trước mắt vấn đề sống còn của các dân tộc Ðông Dương. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp ngày càng gay gắt.
Phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, không cam chịu cuộc sống nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng lên tranh đấu. Ðến giữa tháng 11/1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân.
Đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1940, cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23/11 đến ngày 31/12/1940, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long. |
Một số nơi giành được quyền làm chủ, làm cho địch thiệt hại, đánh đổ nghiêm trọng uy thế kìm kẹp của địch. Lần đầu tiên trong lịch sử, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc các trụ sở chính quyền thực dân được quân ta tiến chiếm, đã trở thành biểu tượng niềm tin tất thắng và tinh thần tự tôn dân tộc.
Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man cuộc khởi nghĩa. Rất nhiều đồng bào, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ đã bị địch bắt, tra tấn, tù đày, giết chóc vô cùng tàn bạo với bao tổn thất. Các đồng chí lãnh đạo, những người con ưu tú của của dân tộc, của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Ðăng Lưu... đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù.
So với cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) cũng như so với hai cuộc khởi nghĩa cùng diễn ra trong năm 1940 (khởi nghĩa Ba Tơ: 11/3 và khởi nghĩa Bắc Sơn: 27/9), thì khởi nghĩa Nam Kỳ có quy mô rộng khắp. Đó là một cuộc diễn tập lớn nhất và mạnh mẽ nhất của đồng bào Nam Bộ và của cả nước, kể từ khi thực dân Pháp xâm lược (năm 1858) cho đến lúc đó.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tuy thất bại nhưng đã có tiếng vang lớn, không những trong nước mà còn làm nức lòng cả những chiến sĩ cách mạng ở Pháp. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Đảng Cộng sản Pháp đã gửi đến Đảng Cộng sản Đông Dương một bức thư, trong đó có đoạn: “Chúng tôi cúi đầu trước vong linh những người chiến sĩ đấu tranh cho tự do đã hy sinh hồi tháng 11 dưới súng liên thanh của Decoux, Beaudouin, Pétain… Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước những người anh hùng đó, đặc biệt chúng tôi nghiêng mình trước những anh chị em ruột thịt anh hùng là đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tháng 5/1941 phân tích ba cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn - Nam Kỳ - Đô Lương diễn ra trong hơn 3 tháng ở ba miền Trung Nam Bắc, đã cho rằng: “Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc Đông Dương”. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính chất nhân dân rộng rãi, sâu sắc. Các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo trong xã hội đều tham gia khởi nghĩa trên quy mô rộng lớn khắp Nam Kỳ.
Ngày 14/4/1948, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 163/SL tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ, nhằm tôn vinh ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa đối với lịch sử cách mạng Việt Nam. Tinh thần quyết tử cho dân tộc quyết sinh của các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa đã góp phần hun đúc lòng dũng cảm, chí kiên cường cho Đảng ta, cho cả dân tộc ta để giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.