Phát biểu tại buổi Lễ, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngay từ những ngày đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với sự quan tâm sâu sắc tới công tác lưu trữ nước nhà, ngày 3/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 1C/VP nhấn mạnh giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ đối với phương diện kiến thiết quốc gia. Đối với ngành lưu trữ Việt Nam, mốc thời gian này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vậy, ngày 3/1 đã được chọn là Ngày Lưu trữ Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, ngành lưu trữ Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Ngành đã chủ động triển khai thực hiện Luật Lưu trữ, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác lưu trữ thống nhất, đồng thời tăng cường các giải pháp để bảo vệ an toàn và phát huy có hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia, đặc biệt là trong việc đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Những nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức ngành lưu trữ đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận, đánh giá cao, đặc biệt trong bối cảnh xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay. Năm 2020, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì những đóng góp của Cục.
Không dừng lại ở việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; hay đưa nhiều tài liệu có giá trị phục vụ các nhu cầu của xã hội và góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngành lưu trữ Việt Nam đã từng bước vươn mình, hội nhập với thế giới. Theo Cục trưởng Đặng Thanh Tùng, hiện nay, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam là một trong 160 thành viên loại A trên tổng số 1.693 thành viên của Hội đồng Lưu trữ quốc tế (ICA). Về hợp tác song phương, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác và ký kết các Biên bản ghi nhớ, Thỏa thuận hợp tác với các cơ quan lưu trữ của 10 nước trong khu vực và trên thế giới.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi sự thay đổi phương thức, cách thức lãnh đạo của bộ máy chính quyền, dẫn đến sự hình thành và phát triển Chính phủ điện tử, nhằm thích ứng với yêu cầu quản lý trong hiện tại và tương lai. Sứ mệnh của ngành lưu trữ không chỉ đang gìn giữ những tài liệu, tư liệu lịch sử quốc gia, mà còn có giá trị cho toàn nhân loại và đây cũng là sứ mệnh chung của ngành lưu trữ trên thế giới.
“Sứ mệnh của các lưu trữ Việt Nam là gìn giữ cho thế hệ tương lai những thông tin, tài liệu số đang ghi lại lịch sử thời kỳ hiện tại. Nói cách khác, xây dựng lưu trữ số chính là sứ mệnh của ngành lưu trữ trong bối cảnh Chính phủ điện tử, Chính phủ số”, Cục trưởng Đặng Thanh Tùng nêu rõ.
Ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của ngành lưu trữ Việt Nam trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, công tác văn thư, lưu trữ có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sản phẩm của hoạt động lãnh đạo và quản lý và là nguồn thông tin gốc phản ánh một cách toàn diện đầy đủ, chân thực mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội, của một quốc gia, từng địa phương, cơ quan, tổ chức. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 1C/VP để chỉ đạo việc quản lý công tác công văn giấy tờ và công tác lưu trữ của Nhà nước.
Trong Thông đạt, sau khi phê phán nghiêm khắc hiện tượng tùy tiện loại hủy tài liệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, tài liệu lưu trữ là di sản của dân tộc, “có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia” và yêu cầu các bộ trưởng chỉ thị cho nhân viên các sở bảo quản công văn, tài liệu của chính quyền cũ, cấm huỷ bỏ trái phép; đồng thời nêu rõ hồ sơ, tài liệu lưu trữ phải gửi về những Sở lưu trữ công văn thuộc Bộ Quốc gia giáo dục để tàng trữ. Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho ngành lưu trữ, thể hiện sự quan tâm đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước đối với việc quản lý công tác công văn giấy tờ và công tác lưu trữ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, để ghi nhận những đóng góp của các thế hệ trong ngành văn thư – lưu trữ, một công việc rất thầm lặng, nhưng rất quan trọng đối với quốc gia, với dân tộc và với từng cơ quan, đơn vị, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1229/QĐ-TTg, lấy ngày 3/1 làm ngày truyền thống của ngành lưu trữ Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng lưu ý, để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại, ngành lưu trữ cần quan tâm hoàn thiện thể chế, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung Luật Lưu trữ cho phù hợp với điều kiện hiện nay, nhất là việc lưu trữ văn bản điện tử, số hóa tài liệu… Đồng thời, cần củng cố tổ chức bộ máy để thực hiện tốt công tác lưu trữ, phát huy những giá trị tài liệu lưu trữ, đưa tài liệu đến gần hơn với đông đảo quần chúng và đời sống xã hội.
Ôn lại truyền thống ngành lưu trữ 75 năm qua, các đại biểu tại buổi lễ đều cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác lưu trữ, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt ở phương diện kiến thiết quốc gia. Nhà nước đã đầu tư kinh phí thích đáng cho yêu cầu quản lý tài liệu lưu trữ quốc gia. Những di sản tài liệu, lưu trữ có được hôm nay, có mồ hôi và cả máu của nhiều thế hệ cán bộ lưu trữ. Có những chuyến xe chở tài liệu bị bom đạn bốc cháy, cán bộ lưu trữ phải căng mình lấy quần áo dập lửa, cứu tài liệu. Cần phải chung tay phát huy giá trị tài liệu lưu trữ - sản phẩm của sự cố gắng từ nhiều thế hệ, nhiều thời đại.
Cũng trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành lưu trữ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức Trưng bày tài liệu lưu trữ mang chủ đề “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong tài liệu lưu trữ”. Cuộc trưng bày giới thiệu đến công chúng những mộc bản quý (di sản tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn) và một số tài liệu lưu trữ có nội dung về quốc hiệu và kinh đô của nước ta từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến nay. Đây là những tư liệu lịch sử, bằng chứng thể hiện khát vọng, ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân nước Việt.