Các cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến và gia đình, con cháu vui mừng gặp nhau trong lễ kỷ niệm. |
Ngay từ sáng sớm, các cựu chiến binh và gia đình, con cháu của Trung đoàn Tây Tiến đã gặp nhau tại nhà khách Bộ Quốc phòng. Mỗi người một nỗi niềm, vui vì được gặp lại nhau, buồn vì người còn người mất. Các cựu chiến binh Tây Tiến ôm nhau xúc động, nước mắt lăn dài trên má... Trong không khí trang trọng của lễ kỷ niệm, các cựu chiến binh được nghe lại bức thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi chiến sĩ Tây Tiến ngày 1/2/1947. Cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Sâm, Trưởng Ban cố vấn Ban Liên lạc đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống 70 năm Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Cách đây tròn 70 năm, vào mùa xuân Đinh Hợi (1947) tại mặt trận miền Tây của Tổ quốc đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, đó là Trung đoàn Tây Tiến ra đời. Sau, Trung đoàn đổi tên là Trung đoàn 52 Tây Tiến (16/5/1947). Trải qua 70 mùa xuân, Trung đoàn 52 Tây Tiến còn vang mãi những chiến công oanh liệt, gắn liền với lịch sử hào hùng của mặt trận Tây Bắc và liên minh chiến đấu Việt - Lào trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử ở mặt trận miền Tây của Tổ quốc, từ năm 1950 Trung đoàn 52 được điều chuyển đi xây dựng các đơn vị bội đội chủ lực và bộ đội địa phương. Một đơn vị được bổ sung vào Đại đoàn 320, nhưng vẫn mang phân hiệu Trung đoàn 52 Tây Tiến. Từ khi đứng chân trong đội hình Đại đoàn 320, Trung đoàn Tây Tiến không ngừng phát huy truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” khi hoạt động chiến đấu ở vùng sau lưng địch của đồng bằng Bắc Bộ.
Cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Sâm cho rằng, kế thừa truyền thống và kinh nghiệm tác chiến phong phú trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lại được huấn luyện chu đáo nên khi được làm nhiệm vụ chi viện cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngay từ ngày đầu Trung đoàn 52 đã diệt gọn một tiểu đoàn Ngụy ở Lai An… làm nên chiến thắng vang dội bên bờ sông Cửa Việt (Quảng Trị). Khi vào chiến trường Tây Nguyên lại giành thắng lợi ở Đông Tri, Ba Hồ, tiêu diệt một tiểu đoàn địch mang biệt hiệu “trâu điên”. Tiếp đó lại diệt gọn căn cứ biệt kích K.leng, rồi phát triển tiến công địch ở Tây Bắc thị xã Kon Tum. Mùa mưa năm 1972, Trung đoàn Tây Tiến được lệnh gấp rời Tây Nguyên xuống đánh địch ở Quảng Ngãi. Trong gần 3 năm hoạt động ở Quảng Ngãi và Quảng Nam, Lữ đoàn 52 đánh liên tục hàng trăm trận, có trận đánh toàn Lữ đoàn, mức độ chiến đấu vô cùng ác liệt, nhưng đơn vị đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, giải phóng Ba Tơ, Đá Bàn, Giá Vụt, phòng thủ Nghĩa Hành… giải phóng thị xã Quảng Ngãi rồi tiến vào Sài Gòn - Gia Định; trong đội hình quân đoàn 4 góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 - giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Sâm nhấn mạnh: “70 năm đã trôi qua, những chiến tích và kinh nghiệm phong phú của lớp lớp thế hệ cha anh để lại mãi mãi là tài sản vô giá. Chúng ta trân trọng bày tỏ nỗi tiếc thương và tri ân các anh hùng liệt sỹ Tây Tiến đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì tình bạn quốc tế cao cả và đã viết lên những trang sử vẻ vang của Trung đoàn 52 Tây Tiến. Tiếp bước cha anh đi trước, các lớp con cháu cựu chiến binh Tây Tiến đã làm được nhiều việc có ý nghĩa sâu sắc góp phần làm cho tinh thần Tây Tiến sống mãi với non sông đất nước”.
Các cựu chiến binh Tây Tiến nhận huy hiệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Ban Tổ chức lễ kỷ niệm đã trao huy hiệu 70 Tây Tiến cho các cựu chiến binh và đại biểu tham dự. Cả hội trường hân hoan khi được gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng các cựu chiến binh Tây Tiến huy hiệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.