Tham dự buổi Lễ có nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, lãnh đạo thành phố Vũng Tàu cùng các thầy, cô giáo và hơn 3.000 học sinh miền Nam - đại diện cho gần 32.000 học sinh miền Nam trên đất Bắc.
Cách đây 70 năm, ngay sau khi Hiệp định Genève được kí kết, với tầm nhìn chiến lược sáng suốt, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chủ trương thành lập các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Theo đó, 32.000 con em miền Nam ruột thịt đã vượt Trường Sơn ra Bắc và được đùm bọc, nuôi dạy bởi những tấm lòng cao cả, một “thế hệ vàng” các thầy, cô giáo miền Bắc để trở thành những người con trung thành của Đảng, của nhân dân vì tương lai của đất nước.
Trong không khí của những ngày đầu năm mới, các thế hệ học sinh miền Nam được gặp nhau, trò chuyện, ôn lại những năm tháng học tập, đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, việc thành lập hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một chủ trương lớn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt, sâu rộng mà còn nói lên tình cảm của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, của ngành Giáo dục đối với con em đồng bào miền Nam.
“Trong các thế hệ ấy người cao niên nhất đã gần 90 tuổi, người nhỏ nhất cũng đã 60 tuổi. Dù ở lứa tuổi nào, tôi tin rằng trong tâm khảm của mỗi chúng ta không thể quên những năm tháng sống và học tập trong sự chăm sóc của Đảng, Bác Hồ và Nhà nước, trong sự dạy dỗ hết lòng của các thầy, cô giáo, trong tình yêu thương và đùm bọc của đồng bào miền Bắc”, nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, hầu hết các “hạt giống đỏ” được gieo trồng trên đất Bắc trở về miền Nam là lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Nhiều người trong số họ đã trở thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sỹ, nhà doanh nghiệp có uy tín, đóng góp nhiều cho xã hội...