Đặc thù nghề nghiệp đã khiến ngành y trở thành một ngành đặc biệt, luôn phải làm việc trong sự kỳ vọng quá cao của người bệnh, với đầy ắp áp lực, căng thẳng cao độ vì trách nhiệm đối với người bệnh. Áp lực cao nhưng không vì thế cán bộ y tế “buông tay chèo” - họ vẫn là chỗ dựa vững chắc cho người dân.Năm 2014, ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao, đặc biệt là chỉ tiêu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, góp phần quan trọng cùng các bộ, ngành thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, tạo tiền đề hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.
Mang lại sự hài lòng cho người bệnhNăm 2014 ngành Y đã đạt kết quả bước đầu quan trọng trong việc giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Nhờ quyết liệt thực hiện cải cách, đổi mới quy trình khám bệnh, tất cả các bệnh viện đã giảm thời gian chờ đợi trung bình của bệnh nhân được 48,5 phút/lượt khám, tiết kiệm được khoảng 27,2 triệu ngày công lao động/năm, 37,5% bệnh viện vệ tinh đã giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên, 25% bệnh viện tuyến huyện tăng công suất sử dụng giường bệnh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến thăm, chúc mừng các giáo sư, bác sĩ và nhân viên của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bộ Y tế), nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2015). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Triển khai quyết liệt việc đơn giản thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho bệnh nhân; làm thay đổi đáng kể diện mạo và hoạt động của Khoa Khám bệnh ở tất cả các bệnh viện trong cả nước. Những kết quả bước đầu của hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.
Điều đáng ghi nhận nhất trong năm qua là kỷ cương trong các cơ sở khám chữa bệnh đã được chấn chỉnh và kiểm soát thông qua việc phát huy hiệu quả Đường dây nóng ngành y tế theo 3 cấp. Việc thiết lập trở lại và tổ chức hoàn chỉnh hệ thống tổng đài trực Đường dây nóng ngành y tế trên toàn quốc để tiếp nhận các ý kiến bức xúc của người dân liên quan đến khám chữa bệnh đã giúp ngành y tế nắm bắt được nguyện vọng của người dân, kịp thời biểu dương các cá nhân và tập thể y, bác sĩ hết lòng vì người bệnh, đồng thời xử lý nghiêm những tiêu cực trong các cơ sở khám chữa bệnh. Những thay đổi theo chiều hướng tích cực trong hoạt động khám chữa bệnh trong năm qua đã được người dân và các cơ quan truyền thông ghi nhận.
Kiểm soát và ngăn ngừa không để các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam, như dịch Ebola, H7N9, H5N6; MERS-CoV, dịch hạch. Sản xuất thành công vaccin Rota phòng tiêu chảy cho trẻ em; triển khai trên quy mô toàn quốc Chương trình Tiêm chủng mở rộng phòng chống sởi - Rubella và các biện pháp ngăn chặn dịch tay-chân-miệng, sốt xuất huyết,... Nhờ vậy, không có dịch bệnh lớn xảy ra và giảm tỷ lệ tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm.
Chuyển biến mạnhTrong năm qua, ngành Y đã tạo được bước đột phá trong thực hiện bảo hiểm y tế nhằm đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân nhờ việc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, với quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, bổ sung đối tượng tham gia, quy định các chính sách bảo hiểm y tế nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, người trong diện chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đã đạt 70,8% - vượt mức đề ra trong Đề án Lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân là 70% năm 2015.
Sau 2 năm thực hiện Đề án Giảm quá tải bệnh viện, toàn quốc đã tăng thêm 38.913 giường bệnh thực kê (tăng 17,5% so với năm 2012), tăng 5.102 bàn khám (nâng tổng số bàn khám lên 10.830, gần gấp đôi so với năm 2012), tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân thực kê đã đạt 28,1 giường, tăng được 3,4 giường so với năm 2012. Đến nay đã có 13 bệnh viện cam kết không để người bệnh nằm ghép. Bộ Y tế đã triển khai Đề án Đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và 3 bệnh viện tuyến cuối ở Thành phố Hồ Chí Minh để tăng số giường bệnh. |
Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính ở các đơn vị, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế. Đáng chú ý là đã triển khai 4 dịch vụ công trực tuyến cấp 4 đối với cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Đây là một bước quan trọng để thực hiện Chính phủ điện tử, nhằm đơn giản và minh bạch hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển.
Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở: Thực hiện chính sách luân phiên có thời hạn đối với cán bộ y tế tuyến trên về công tác tại tuyến dưới, đặc biệt đạt kết quả bước đầu trong việc triển khai thí điểm Đề án Bác sĩ trẻ tình nguyện công tác tại các khu vực khó khăn, nhất là 62 huyện nghèo; tích cực phối hợp với các hội nghề nghiệp triển khai các hoạt động nhân đạo hướng về cơ sở, tới những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2014, Bộ Y tế đã phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai chương trình Khám bệnh cho ít nhất 1 triệu lượt người nghèo trên phạm vi toàn quốc; triển khai chương trình Chung tay mua bảo hiểm y tế cho phụ nữ nghèo; phát động phong trào Ngành y tế cùng ngư dân bám biển.
Là ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân, nên khi đã xác định chọn nghề y - người thầy thuốc luôn phải chịu nhiều áp lực, từ tình trạng quá tải bệnh viện, dịch bệnh mới nổi ngày càng gia tăng, diễn biến nguy hiểm hầu hết các cán bộ y tế luôn phải làm việc với một cường độ lớn, chịu áp lực cao. Những hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế từ trung ương cho đến các buôn, làng, xóm, ấp là không thể đo đếm được. Chính họ với những cống hiến không mệt mỏi đã nâng cao uy tín và vị thế của y tế Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Thanh Huyền