Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cùng lãnh đạo nhiều tỉnh, thành dự buổi lễ.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đã ôn lại truyền thống hào hùng về ngày giải phóng Bình Phước 23/3/1975. Đây là mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, góp phần cùng với Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết làm nên mùa xuân lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau 42 năm giải phóng và 20 năm tái lập tỉnh, Bình Phước đã "thay da đổi thịt", kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân không ngừng phát triển. Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện và bước đầu giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới.
Đến nay toàn tỉnh có 13 khu công nghiệp, trong đó 8 khu công nghiệp đang hoạt động, 2 khu đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, 3 khu đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư; đã có 60 dự án trong nước và 107 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 3.400 tỷ đồng và hơn 1 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng tăng nguồn thu từ doanh nghiệp.
Năm 2016, thu ngân sách của tỉnh đạt 4.550 tỷ đồng, tăng hơn 24 lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 16 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 15/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng ghi nhận những kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên; các hoạt động phòng, chống dịch bệnh thực hiện tốt; hoạt động quốc phòng an ninh giữ vững.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho rằng kết quả sau 42 năm giải phóng có được từ sự đoàn kết, quyết tâm, đồng sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Bình Phước. Thời gian tới, Bình Phước quyết tâm hơn nữa vượt qua khó khăn, phấn đấu không lệ thuộc hỗ trợ ngân sách của Trung ương và trở thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ, nông nghiệp thông minh.
Đánh dấu sự kiện quan trọng này, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết - nơi đặt căn cứ Bộ Chỉ huy Quân ủy Miền, đoạn cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh, một trong những nơi quan trọng nối liền huyết mạch hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam, nơi triển khai chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng - đã khánh thành 7 công trình giai đoạn 1 gồm: Tượng đài chiến thắng, đền thờ chính, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, cổng chào, khu quảng trường và hàng rào bảo vệ hàng nghìn ha rừng miền Tá Thiết... với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 97 tỷ đồng, trong đó huy động từ nguồn vốn xã hội hóa 72 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của tỉnh Bình Phước.