Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII: Thảo luận về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và Luật Khiếu nại

Những hạn chế trong nguyên tắc xây dựng, phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) hiện nay và các giải pháp khắc phục là chủ đề thu hút sự tranh luận của các đại biểu trong phiên thảo luận tổ sáng 24/10, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII. Một số chỉ tiêu trong dự toán NSNN 2012 chưa sát với thực tế là ý kiến chung của nhiều đại biểu.

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thảo luận ở tổ. Ảnh: Trọng Đức -TTXVN


Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng: Tổng chi ngân sách năm 2011 còn vượt nhiều là minh chứng cho thấy việc thực hiện chính sách thắt chặt tài chính chưa tốt. Với dự kiến năm 2012, tăng thu bằng tăng chi ở mức 24,5% là chưa thể hiện nghiêm tinh thần thắt chặt tài khóa; trong khi nguồn thu có thể giảm do ảnh hưởng từ giá dầu thô, tiền sử dụng đất... Vì vậy, tỷ lệ bội chi ngân sách chỉ nên ở mức 4,5%, ông Hòa nhấn mạnh.

Mặt khác, cần sớm thay đổi phương thức phân bổ ngân sách - đại biểu Trần Du Lịch khẳng định. Phân bổ ngân sách hiện vẫn theo kiểu cân đối, dẫn tới việc “chạy dự án”. Nếu cứ thế sẽ rất khó cắt giảm, hoặc cắt giảm tràn lan, không mục đích. Theo ông Lịch, cần phải thay đổi cơ bản, xem cái gì là nguồn thu của Trung ương, cái gì của địa phương. Với địa phương nghèo có thể bao cấp những dịch vụ công, nhưng tỉnh khá hơn thì phải chi từ nguồn thu của mình. Ngân sách Trung ương tài trợ những dịch vụ xã hội theo nhu cầu, phải có giám sát.

Việc phân bổ ngân sách có thể bàn công khai, minh bạch trước Quốc hội, đừng để biến chi tiêu công thành nơi trục lợi của cá nhân - đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị. Trong tổng đầu tư ngân sách chỉ có 20% cho đầu tư phát triển nên tiêu cực có thể ở những lĩnh vực khác, cần giám sát đối với đầu tư công, chi tiêu công.

Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ cần xác định từng lĩnh vực cụ thể để phân bổ hợp lý “miếng bánh” ngân sách. Theo đó, phải xác định được vấn đề gì là đòi hỏi cấp bách nhất hiện nay, tại địa bàn nào và đi sâu phân tích vào từng lĩnh vực cụ thể thì mới xác định được địa phương hay ngành nào cần tăng hoặc phải giảm tỷ lệ phân bổ vốn. Không thể áp dụng tình trạng “cào bằng” mà nên hướng tới hiệu quả thực tế - đại biểu Phạm Quang Nghị chia sẻ.

Đồng quan điểm này, đại biểu Đào Trọng Thi đề xuất nên duy trì và đảm bảo tỷ trọng cho các khoản chi về văn hóa, xã hội, trong đó chú trọng phục vụ an sinh xã hội, giáo dục, y tế bởi cho dù Trung ương đảm bảo tỷ trọng đối với các khoản chi này, nhưng một số địa phương chưa triển khai đúng. Nhiều địa phương thỏa thuận dành khoản chi cho giáo dục với cơ cấu 80% lương, 20% chuyên môn, nhưng đến khi thực hiện cụ thể thì kinh phí dành cho chuyên môn chỉ còn khoảng 5% vì đã phải dồn hết cho trả lương. Như vậy, sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giáo dục, đại biểu này dẫn chứng. Tình trạng lạm thu đầu năm tại nhiều cơ sở giáo dục có nguyên nhân bắt nguồn từ kinh phí rót cho các trường rất khó khăn, bởi vậy nhiều khoản thu trong số này phải dành bổ sung cho chi hoạt động chuyên môn. Phải đủ chi phí tối thiểu mới có thể đảm bảo hoạt động chuyên môn tốt. Vì vậy, cần có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ để kinh phí đã phân bổ đảm bảo chi đúng.

Đầu tư dàn trải sẽ khó tạo đột phá để phát triển bởi sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu và thu không đủ chi. Vì vậy, với khoản tăng thu dự kiến hơn 200.000 tỷ đồng vào năm 2012 cũng chỉ tương đương với các khoản chi dự kiến nên NSNN cần tập trung cho hệ thống giao thông huyết mạch, đảm bảo hạ tầng theo kịp nhu cầu phát triển; tiếp đến là đầu tư vào phát triển khoa học – đây chính là mũi nhọn để phát triển. Đại biểu Trịnh Thế Khiết đề xuất.

*Chiều 24/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Khiếu nại.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khiếu nại do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày đã nêu rõ về những ý kiến còn khác nhau xung quanh vấn đề về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Về phạm vi điều chỉnh có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, đồng thời đề nghị làm rõ việc áp dụng Luật này đối với đơn vị sự nghiệp công lập; đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Loại ý kiến thứ hai đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại, theo đó công dân được quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mọi cơ quan, tổ chức trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm bảo đảm quyền khiếu nại của công dân được ghi nhận tại Điều 74 của Hiến pháp.


Qua thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật: “Luật này quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại”. Đối với vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng khiếu nại và giải quyết khiếu nại xảy ra ở tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước và xã hội, mỗi lĩnh vực lại có đặc thù riêng nên trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại ở mỗi lĩnh vực là khác nhau, ở các loại hình cơ quan, tổ chức là khác nhau. Vì vậy dự án Luật không thể quy định cụ thể trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại cho tất cả lĩnh vực, tất cả các loại hình cơ quan, tổ chức khác nhau; trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại của công dân không chỉ được quy định trong Luật Khiếu nại, mà còn được quy định trong nhiều đạo luật khác như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự…

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc quy định khiếu nại nhiều người trong dự án Luật để làm căn cứ giải quyết việc khiếu nại nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cần làm rõ khái niệm “ khiếu nại nhiều người” để phân biệt với khiếu nại của nhiều người về những vụ việc khác nhau, nhiều người đi khiếu nại tập hợp với nhau thành từng đoàn…

Thảo luận về việc tiếp công dân, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần tiếp tục quy định việc tiếp công dân trong Luật này nhưng phải khắc phục được tính hình thức, chưa phù hợp thực tế. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong khi chờ xây dựng một văn bản pháp luật riêng về công tác tiếp công dân thì vẫn cần thiết quy định trong Luật này việc tiếp công dân. Do việc tách Luật Khiếu nại, tố cáo thành hai đạo luật nên để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của từng dự án luật, cả hai luật đều phải quy định vấn đề tiếp công dân. Theo đó dự án Luật Khiếu nại quy định theo hướng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại. Người tiếp công dân đến khiếu nại hoặc tố cáo phải ghi nhận ý kiến của công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết...

Hôm nay, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình tại Hội trường.

TTN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN