Chiều 17/10, Văn phòng Quốc hội họp báo công bố chương trình và nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Kỳ họp sẽ khai mạc ngày 20/10 tại Nhà Quốc hội mới, Thủ đô Hà Nội và dự kiến bế mạc ngày 28/11/2014.
Báo cáo tóm tắt chương trình và nội dung kỳ họp, bà Phan Thị Toàn, Vụ trưởng Vụ Thông tin (Văn phòng Quốc hội), cho biết: Cũng như kỳ họp thứ 7, kỳ họp đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp mới, tại kỳ họp thứ 8 này Quốc hội tiếp tục dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống.
Tại kỳ họp, Quốc hội dành 2/3 thời gian cho công tác xây dựng luật. Cụ thể: Quốc hội xem xét, thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến lần đầu với 12 dự án luật khác. Đây là kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước tới nay.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định các vấn đề lớn của đất nước như: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 (Báo cáo số 347/BC-CP ngày 26/9/2014); Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH2013 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015”; Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn thực hiện theo Nghị quyết 35. Tuy nhiên, hình thức thực hiện đã được rút kinh nghiệm. Cụ thể, có đề cương hướng dẫn chi tiết hơn, yêu cầu người được bỏ phiếu tín nhiệm phải làm báo cáo rõ hơn, thậm chí quy định cụ thể số trang là bao nhiêu để bảo đảm sự thống nhất.
“Tôi cho rằng việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đã đạt được hiệu quả. Đây cũng là một kênh tham khảo cho các cơ quan liên quan đến công tác quản lý cán bộ”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thành viên Chính phủ nào sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Việc lựa chọn thành viên Chính phủ nào để chất vấn phải dựa trên ý kiến cử tri về một số nội dung, những vấn đề bức xúc và được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị. Vì vậy, câu lựa chọn ai để chất vấn và chất vấn về vấn đề gì thì chưa thể trả lời (ngày 17/10) được.
Xuân Phong