Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV: Điều chỉnh giá phải theo lộ trình

Trong cuộc họp với các bộ ngành, các tập đoàn liên quan về vấn đề cung ứng điện trong giai đoạn tới đầu tháng 10, Thủ tướng cho rằng, nguy cơ năm 2018 thiếu điện là có nên cần có những giải pháp thu hút đầu tư. Cùng đó, điều hành giá điện cũng là vấn đề được cả người dân và doanh nghiệp quan tâm. Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội xung quanh vấn đề điều chỉnh giá một số lĩnh vực thiết yếu.

Để bù đắp nguy cơ thiếu điện, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực này có phải là giải pháp, thưa ông?

Nguyên lý thu hút đầu tư trong và ngoài nước phải đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Nói chung, phải đảm bảo hài hoà lợi ích các bên bao gồm nhà đầu tư, lợi ích của quốc gia và cả người dân. Việc thu hút đầu tư không chỉ nằm ở khâu giá mà còn liên quan đến các chính sách về thuế, phí... và tháo gỡ nhiều vấn đề khác nữa. Nhà đầu tư thì chỉ quan tâm đến lợi ích nhưng ta không chỉ quan tâm riêng về lợi ích mà còn nhiều vấn đề về phát triển, an sinh xã hội.


TS Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Nguồn Người Lao Động.

Có ý kiến cho rằng, điện cũng như một số hàng hóa, dịch vụ khác mà nhà nước còn bao cấp cần được minh bạch hóa, tính đúng, tính đủ chi phí. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Hiện giá cả nhiều dịch vụ như viện phí, học phí, giá điện... sẽ phải tiệm cận theo giá thị trường nhưng cần phải có bước đi phù hợp để đảm bảo phát triền bền vững.

Khi điều chỉnh giá của mặt hàng nào cũng ngay lập tức ảnh hưởng đến dân, chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát. Năm nay có thuận lợi cho điều hành của Chính phủ là dư địa vẫn còn, nhưng nếu tăng giá sẽ ảnh hưởng ngay. Như viện phí, học phí tăng là ảnh hưởng đến dân ngay. Nhưng các bộ, ngành vẫn chưa xây dựng được phương án, xây dựng được định mức bao nhiêu, các loại chi phí bao nhiêu để hình thành giá. Bởi vậy, phải có bước đi chấp nhận được nó.

Với viện phí, để điều chỉnh chi phí giường bệnh đang là 20.000 đồng/ngày mà nâng ngay lên thành 200.000 đồng/ngày thì không ai chịu được. Những cái này thực ra đã có lộ trình nhưng phải đặt nó nằm trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Năm nay vẫn có thể chi điều chỉnh giá nhưng lại vướng là các bộ, ngành chưa kịp xây dựng phương án. Ngay như học phí mới tăng lên một chút đã kêu rồi.

Quan điểm của nhà nước, những người có thu nhập trung bình, cao thì họ tự lo, người nghèo thì nhà nước lo. Viện phí tăng thì người nghèo được bảo hiểm trả. Tuy nhiên, nếu vậy thì tiền ngân sách phải bỏ ra tương đối lớn, định mức phải tăng lên.

Giá điện thì là câu chuyện chính sách. Đó cũng là một công cụ điều chỉnh. Điều chỉnh giá điện phải nằm trong bài toán điều hành kinh tế vĩ mô, làm sao cho hài hoà giữa các chỉ số.

Nếu tăng chi phí tiền điện sẽ ảnh hưởng ngay đến đầu vào sản xuất, về sinh hoạt dân cư. Nếu không tăng tiền điện thì nhà nước phải bù, mà tăng lên cũng có những cái ảnh hưởng. Phải hài hòa lợi ích của người dân và nhà nước chứ không phải cứ nói tăng là tăng được. Nhà nước phải trả những chi phí đầu vào tăng thêm, doanh nghiệp cũng phải trả và người dân cũng phải trả. Ở đây có cả 3 lợi ích: nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Nhà nước cũng phải tính người dân có chịu được không. Ta mong muốn điều hành theo quy luật của kinh tế thị trường nhưng cũng có quy luật của nền kinh tế nữa. Đó là những cái quan hệ đan xen.

Tuy nhiên, nếu chậm đẩy nhanh thị trường hóa cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp khác như nhóm sản xuất than, khí... “bì tị” vì không điều chỉnh được giá bù đắp chi phí, nên thua lỗ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng trong đó có giá điện phải tiệm cận theo giá thị trường mà Chính phủ đã xác định là chắc chắn rồi. Nhưng nó phải đi theo xu hướng không gây nên bất ổn, không gây ảnh hưởng lớn quá đến người dân. Như giá xăng, trước đây 1 tháng điều chỉnh 1 lần nhưng giờ cũng phải điều chỉnh liên tục mà hiện nay vẫn chưa ổn. Dù đã xác định là giá cả phải bù đắp được chi phí nhưng vẫn phải đi theo lộ trình phù hợp, đảm bảo phát triển bền vững.

Điều chỉnh giá đương nhiên sẽ tác động đến người dân, nhất là người nghèo. Như tôi lên các vùng Tây Bắc, thấy nhiều hộ họ chỉ thắp điện một lúc rồi tắt. Với họ vài chục ngàn đã là lớn. Nên có điều chỉnh cũng phải tính đến vấn đề phát triển bền vững, không để giãn quá khoảng cách giàu nghèo, để người nghèo không bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thành Trung – Thu Hằng (Thực hiện) (TTXVN)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN