Ngày 4/2, tại Hội nghị triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh, đại diện các sở ngành, đơn vị liên quan đã tập trung thảo luận, trao đổi, bàn các giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh từ xa, tránh bị động, bất ngờ.
Trong đó, tỉnh chú trọng việc lập chốt chặn trên các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới, tạm dừng việc nhập cảnh người từ vùng có dịch vào địa bàn; thực hiện công tác kiểm soát, lập hồ sơ theo dõi và đo thân nhiệt người qua cửa khẩu; xây dựng phương án tiếp nhận công dân khi được trao trả và chuẩn bị phương tiện để vận chuyển khi có người lây nhiễm về khu cách ly.
Bên cạnh đó, tỉnh lập danh sách người lao động, học sinh, sinh viên đi lao động, học tập ở Trung Quốc về nước và xác minh nguồn lao động, học tập để theo dõi, nắm bắt tình hình; có các phương án phòng, chống, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và phương án di chuyển, cách ly bệnh nhân tại Cảng hàng không Điện Biên…
Kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn nhấn mạnh: Điện Biên là vùng có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao do vậy các ngành, các cấp phải chủ động, tích cực, không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh phải nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động ngăn chặn dịch bệnh ngay từ đầu. Lãnh đạo các địa phương cần tiếp tục trao đổi với Ban chỉ đạo thường xuyên để nắm chắc tình hình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thực hiện các giải pháp phòng dịch trên tinh thần tận dụng lực lượng tại chỗ, coi nhiệm vụ phòng chống dịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của địa phương. Đồng thời, các địa phương cần chuẩn bị lực lượng, kinh phí để tham gia công tác phòng, chống dịch, đưa những người nghi lây nhiễm bệnh vào khu cách ly, thu dung.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp huyện, thị xã, thành phố phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Sở Y tế tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế và nêu cao trách nhiệm của ngành trong công tác phòng chống dịch; tăng cường công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh để nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân...
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Điện Biên, hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào dương tính với nCoV. Những ngày qua, có 5 trường hợp (ở các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng, thành phố Điện Biên Phủ) có biểu hiện sốt, viêm phổi liên quan đến yếu tố dịch tễ đi, đến vùng có dịch, đã được các cơ sở y tế cách ly, điều trị, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 3 trường hợp âm tính với nCoV, 2 trường hợp hiện đang điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, và chờ kết quả xét nghiệm.
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, số người dân đi lao động từ Trung Quốc về Lai Châu trước và sau Tết Nguyên đán là hơn 10 nghìn người. Sau Tết Canh Tý, người dân có nhu cầu sang Trung Quốc thăm thân, du lịch và lao động rất lớn. Trước tình hình diễn biến phức tạp dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, để kịp thời kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã có Công văn số 141/BCH-TM ngày 29/01/2020 về việc tạm dừng các hoạt động qua lại cửa khẩu phụ và lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Tại các cửa khẩu và lối mở trên địa bàn tỉnh Lai Châu, lực lượng Biên phòng cũng bố trí tổ công tác trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ người dân qua lại. Những trường hợp người Việt Nam về nước,do lực lượng chức năng phía Trung Quốc bàn giao, sẽ được cách ly theo dõi trong 14 ngày. Ngoài ra, Đồn biên phòng thuộc 22 xã biên giới còn phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, từng hộ gia đình về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và khuyến cáo cho người dân chủ đồng phòng, chống lây lan; tuyên truyền để người dân dừng việc qua lại thăm thân, lao động qua các đường mòn, lối mở trong giai đoạn dịch bệnh nCoV.
Tại xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu), Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền tới người dân 9/9 bản về công tác phòng chống dịch bệnh Corona. Đại úy Phạm Tuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) cho biết, những buổi tuyên truyền giúp người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, nhận biết cơ bản về triệu chứng cũng như cách thức lây truyền của nCoV. Mặt khác, tuyên truyền cho bà con nắm được chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như của các cấp ủy Đảng các cấp về công tác phòng chống dịch bệnh để nhân dân yên tâm, không hoang mang trước các vấn đề nảy sinh, đồng thời tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo cũng như tinh thần phòng chống dịch bệnh của cấp ủy các cấp trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Y tế Lai Châu, tính đến 10 giờ ngày 4/2, trên địa bàn có 20 trường hợp nghi ngờ mắc nCoV (có dấu hiệu sốt, ho đến từ vùng có dịch), trong đó 3 trường hợp đã xét nghiệm và cho kết quả âm tính với nCoV, Còn 17 trường hợp đang dược theo dõi và cách ly điều trị, chờ kết quả xét nghiệm.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu đã thành lập khu vực cách ly tạm thời tại Trường Quân sự tỉnh (phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu) gồm 80 giường, có hệ thống nhà bếp nhà ăn; có thể bố trí 200 - 250 người tạm trú. Dự kiến, tỉnh sẽ thành lập bệnh viện dã chiến tại thao trường Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, xã Nậm Loỏng thuộc thành phố Lai Châu có diện tích mặt bằng khoảng 2,5ha với một nhà cấp 4 diện tích là 300m2, 50 cặp giường đôi, có hệ thống nhà bếp, nhà ăn, các công trình phục vụ cho 100 người.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, tại các tuyến biên giới, các lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường công tác tuyên truyền, bổ sung nhân lực, vật lực, trang thiết bị nhằm kiểm soát chặt cửa khẩu, chủ động phòng dịch.
Thiếu tá Trần Duy Ê, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết, đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương, Tổ Tự quản đường biên cột mốc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các thành viên trong tổ nắm được tình hình dịch bệnh và cách phòng ngừa để khi qua lại biên giới vừa làm công tác bảo vệ đường biên cột mốc vừa tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.
Trong 2 ngày 2 và 3/2, 10.000 khẩu trang y tế cũng đã được trao tay người dân ở vùng biên giới huyện Hồng Ngự cùng với những thông điệp tuyên truyền để mọi người cùng chủ động ứng phó với dịch bệnh nCoV. Tại Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước cũng như các bến khách ngang sông, đoàn viên thanh niên, Công an, Quân sự, Biên phòng phối hợp chặt chẽ hỗ trợ người dân những thông tin về diễn biến dịch bệnh để người dân có ý thức hơn trong việc chủ động phòng dịch.
Đại tá Lê Văn Luận, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp, cho biết, Đồng Tháp có đường biên giới giáp tỉnh Prây Veng (Campuchia) dài gần 50 km với hai cửa khẩu quốc tế là Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng). Trong công tác kiểm soát tại hai cửa khẩu quốc tế, lực lượng Biên phòng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với bộ phận kiểm dịch y tế để tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, đối với các cửa khẩu phụ, lực lượng biên phòng đã tăng cường kiểm soát ngày đêm nhất là các đường mòn lối mở, kiên quyết không để xảy ra tình trạng vượt biên.
Hiện, tại hai cửa khẩu quốc tế đã được trang bị dụng cụ đo thân nhiệt hồng ngoại cầm tay và từ xa. Ngành Y tế Đồng Tháp cũng đã bố trí lực lượng thường trực để kiểm soát tình trạng sức khỏe của người dân khi qua lại cửa khẩu trên bộ lẫn đường thủy. Theo thống kê, từ ngày 22/1- 3/2/2020, các cửa khẩu tại Đồng Tháp đã làm thủ tục xuất - nhập cảnh cho 2.220 phương tiện với trên 7.000 người. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở đi qua biên giới. Đến thời điểm hiện tại, Đồng Tháp cũng chưa phát hiện các trường hợp dương tính với nCoV.